Trồng dừa đạt chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm |
Trà Vinh hiện có diện tích dừa lớn thứ 2 cả nước sau tỉnh Bến Tre. Cây dừa đã thu hút khoảng 89.000 hộ dân tham gia canh tác trồng, chiếm 40% tổng số hộ khu vực nông thôn, với 170.000 lao động tham gia sản xuất, thu nhập 30 - 45 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, để hạn chế những rủi ro do biến động về giá thị trường, ổn định thu nhập cho người dân, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động nâng cấp chuỗi giá trị dừa với nhiều mục tiêu, chiến lược. Trong đó, giữ ổn định diện tích trồng dừa là 22.000ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng trên 321.000 tấn, chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Tiểu Cần, Càng Long.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, mô hình trồng dừa hữu cơ tại địa phương được liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà vườn. Việc xây dựng vùng trồng dừa tập trung đạt chuẩn hữu cơ là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, giúp người trồng dừa có thu nhập ổn định. Do đó, Sở đã tranh thủ nguồn vốn từ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án SME) để thuê chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật trồng dừa hữu cơ cho nhà vườn, hướng dẫn quy trình chăm sóc và sử dụng phân bón theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sau đó, đơn vị kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ thủ tục công nhận vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Toàn bộ diện tích dừa hữu cơ đạt chuẩn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn giá thị trường từ 10 - 15%, giúp các hộ trồng dừa có lợi nhuận cao hơn.
Mới đây, vùng nguyên liệu dừa hữu cơ diện tích hơn 220ha của 202 hộ nông dân xã Tân Hòa (huyện Tiểu Cần) đã được công nhận đạt chuẩn quốc tế châu Âu - EU, Mỹ - USDA, do Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu bao tiêu đầu ra. Đây là vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế lần thứ hai của tỉnh Trà Vinh. Trước đó, năm 2018, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre đã xây dựng một vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt 3 chuẩn quốc tế, gồm châu Âu - EU, Mỹ – USDA và Nhật – JAS, trên diện tích 327ha của 348 hộ nông dân tại xã Đại Phước (huyện Càng Long).
Để phát triển ngành hàng dừa theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu đối với các dòng sản phẩm chủ lực có lợi thế phát triển của cây dừa, tỉnh đã xây dựng 3 nhóm giải pháp chính nâng cấp chuỗi giá trị dừa, gồm: Cải tiến công nghệ, kỹ thuật; phát triển thị trường; nâng cao vai trò hỗ trợ phát triển. Theo đó, tỉnh hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển cây dừa, chọn giống dừa thích nghi hạn mặn, cho năng suất cao và có thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ chứng nhận vùng trồng dừa đạt tiêu chuẩn VietGAP… Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm từ dừa, mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nước dừa đóng hộp, bột dừa, đồ thủ công mỹ nghệ...; nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp và tiếp cận thị trường; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…
Tỉnh Trà Vinh tập trung các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách hình thành mạng lưới cung cấp dừa trái cho nhà máy chế biến dừa, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và kết nối thị trường trong và ngoài nước. |