Nguy cơ tai nạn lao động vẫn hiện hữu
Theo đánh giá chung, công tác đảm bảo an toàn lao động cho người lao động làm việc trong các các khu công nghiệp trên cả nước đã được thực hiện khá tốt. Qua theo dõi về công tác an toàn - vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn với các phương tiện hỗ trợ lao động đầy đủ hơn. Công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng được các cơ quan quản lý quan tâm kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Trong khi đó, người lao động trong các khu công nghiệp cũng được học tập kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, an toàn phòng chống cháy nổ khá đầy đủ.
Cần nâng cao nhận thức của cả doanh nghiệp và người lao động |
Tuy nhiên, qua kiểm tra của các ngành chức năng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác này, dẫn đến tai nạn vẫn còn thường xuyên xảy ra. Điển hình như tại tỉnh Đồng Nai có khoảng 32 khu công nghiệp với 43 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư. Tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp này khoảng 556.289 lao động, trong đó 6.579 lao động là người nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của địa phương này chưa thực sự quan tâm, đầu tư chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, chưa nhận thức đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động là quan trọng…. nên số lượng tai nạn lao động xảy ra tại các khu công nghiệp trên địa bàn khá cao, gần 1.500 vụ/năm.
Số liệu từ Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho thấy, do một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ công tác đảm bảo an toàn nên tai nạn lao động năm 2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.517 vụ tai nạn lao động, làm bị thương 1.353 người, 213 người chết; riêng trong các khu chế xuất - khu công nghiệp xảy ra 3 vụ tai nạn lao động chết người.
Về nguyên nhân, các cơ quan chức năng đánh giá, hầu hết tai nạn lao động xảy ra là do không thực hiện đúng quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động. Đặc biệt, tại nhiều dự án đầu tư xây dựng lớn, việc quản lý lao động, đảm bảo an toàn lao động tại các công trường lại chưa được các tập đoàn, doanh nghiệp triển khai tốt.
Có tình trạng khi triển khai dự án trong các khu công nghiệp lớn, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công hợp đồng giao cho các nhà thầu phụ thi công và tự tuyển lao động. Đa số là lao động phổ thông làm các công việc đơn giản, như: lắp đặt giàn giáo, xây dựng, làm điện, nước và thi công các phần việc không yêu cầu kỹ thuật cao… nên việc trang bị kiến thức an toàn lao động cho người lao động không được thực hiện thường xuyên.
Cũng từ nguyên nhân này, người lao động không nắm bắt được những quy định, quy trình để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, không được trang bị những thiết bị bảo hộ lao động cần thiết, thậm chí coi nhẹ an toàn cho chính bản thân nên dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.
Nâng cao nhận thức của cả doanh nghiệp và người lao động
Để đẩy mạnh an toàn lao động trong các khu công nghiệp, một trong những giải pháp cấp bách hiện nay là chú trọng tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về an toàn lao động cho người lao động, người sử dụng lao động trong khu công nghiệp, nhằm giúp người lao động, cán bộ quản lý nắm vững các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động...
Trong khi đó, các doanh nghiệp phải chủ động kêu gọi người lao động tham gia hưởng ứng công tác an toàn vệ sinh lao động bằng nhiều hình thức, đồng thời, thực hiện việc rà soát và xây dựng đầy đủ các nội quy, quy định về an toàn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh cho người lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Với người lao động, cần chấp hành nghiêm túc nội quy an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp và luôn ý thức rằng, việc nghiêm túc chấp hành này trước hết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chính bản thân mình và đảm bảo an toàn cho người khác, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, trong những khu công nghiệp lớn với số lượng người lao động đông thì vai trò của tổ chức công đoàn là hết sức quan trọng. Tổ chức công đoàn phải chủ động xây dựng thoả ước lao động, xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa người sử dụng lao động và người lao động, tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải thường xuyên thanh, kiểm tra nhằm nắm bắt việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động của doanh nghiệp đối với người lao động, như: xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, thành lập tổ chức công đoàn, xây dựng thoả ước lao động, việc ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chính sách về bảo hiểm đối với người lao động, trang bị bảo hộ lao động, chấp hành quy định về sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động…