Quy tắc xuất xứ trong EVFTA: Hiểu đúng, hưởng lợi lớn Quy tắc xuất xứ trong EVFTA: Những điều lưu ý Bộ Công Thương đính chính Thông tư về quy tắc xuất xứ trong EVFTA |
Bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc hội thảo |
Hội thảo do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án ARISE+ Việt Nam cùng tổ chức tại Quảng Nam theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ của EU trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình ARISE+ tại Việt Nam” góp phần thúc đẩy thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Mục tiêu của hội thảo nhằm tập huấn, cập nhật về cách hiểu các tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA, so sánh với hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), và trao đổi về quy trình, các thủ tục cấp C/O mẫu EUR.1. Qua đó, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ về quy tắc xuất xứ và tận dụng tối đa ưu đãi từ EVFTA.
Phát biểu khai mạc, bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, việc triển khai hiệp định EVFTA mang ý nghĩa to lớn đối với cả hai phía Việt Nam và EU. Đối với EU, Việt Nam là đối tác đang phát triển đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ FTA với EU, đồng thời là cầu nối quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa EU và khu vực Đông Nam Á. Với Việt Nam, EU là đối tác thương mại – đầu tư hết sức quan trọng và là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong giai đoạn 2 năm triển khai EVFTA (8/2020 - 7/2022) đạt 83,6 tỷ đô-la Mỹ. Xét trên quy mô và cơ cấu ngành hàng, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, xếp sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, với cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên mang tính bổ sung cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với thời điểm trước khi hiệp định này được đưa vào thực hiện (giày dép, thuỷ sản, máy ảnh, máy quay phim, linh kiện máy móc và thiết bị).
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này còn chưa tương xứng với triển vọng phát triển hợp tác thương mại giữa hai bên. Bên cạnh những ảnh hưởng khách quan từ dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp Việt gặp phải không ít những khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường EU và thực thi các quy định tại EVFTA. Một trong những khó khăn lớn nhất họ gặp phải chính là việc áp dụng Quy tắc xuất xứ (Rules of Origin – ROO), được quy định cụ thể trong Nghị định thư số 1 của EVFTA và đã được Bộ Công thương hướng dẫn qua Thông tư 11/2020/TT-BCT ban hành ngày 15/06/2020 .
Từ góc độ doanh nghiệp, để được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần phải chú ý đến các quy định về xuất xứ. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra lúng túng khi xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực thay đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu đưa ra từ phía ‘bạn hàng’ châu Âu, trong khi dư địa thị trường EU rất lớn, với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.
Ông Peter Bernhardt, Tư vấn trưởng của Dự án ARISE+ Việt Nam cho rằng cần tiếp tục đánh giá tình hình triển khai EVFTA để đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong thời gian tới. |
Tại hội thảo, ông Peter Bernhardt, Tư vấn trưởng của Dự án ARISE+ Việt Nam đề xuất các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam cần tiếp tục đánh giá thực chất tình hình triển khai EVFTA. Cùng làm rõ các khó khăn vướng mắc, từ đó đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao tiêu chuẩn về lao động, môi trường, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan đại diện với các hiệp hội và doanh nghiệp.
Ông Bernhardt cũng bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ EU, thông qua dự án ARISE+ Việt Nam, đại diện các cơ quan quản lý và hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia, đóng góp ý kiến và đồng hành cùng doanh nghiệp tận dụng hiệu quả lợi ích của hiệp định EVFTA, hướng tới triển khai chiến lược hội nhập của đất nước trong giai đoạn mới.