Ngày 1/9, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã ký kết Quy chế trao đổi thông tin, cơ chế phối hợp trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Theo đó, 2 bên sẽ tập trung xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, đề án, dự án trong công tác chế biến và thương mại lâm sản, Bên cạnh đó, phối hợp phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Trong công tác quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững, 2 bên sẽ xây dựng và phát triển Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và Tiêu chuẩn quản lý chuỗi hành trình sản phẩm Việt Nam; triển khai thực hiện một số nhiệm vụ của văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia….
Hợp tác nâng cao hiệu quả phối hợp chế biến và thương mại lâm sản |
Quy chế bao trùm toàn bộ các khía cạnh đang có sự phát triển năng động nhất, và cũng bao gồm các khía cạnh hiện đang có nhiều rủi ro nhất, đòi hỏi cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách có sự quan tâm đặc biệt.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - chia sẻ, ngành chế biến gỗ xuất khẩu là một trong những ngành năng động nhất, thể hiện qua chỉ số kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng trưởng hàng năm. Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi lớn, đặc biệt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng song hành những rủi ro về gian lận thương mại. Ngoài ra, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài những khó khăn cũng tạo cơ hội cho ngành tái cơ cấu ứng phó với tình hình mới.
Sự năng động và đặc biệt sự phát triển bền vững của ngành phụ thuộc hoàn toàn vào việc nắm bắt các cơ hội mới và giảm thiểu các rủi ro, và tái cấu trúc ngành theo hướng này trong tương lai. Để làm được điều này, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, sự kết nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò tiên quyết. Kết nối hiệu quả đòi hỏi việc thiết lập các kênh thông tin 2 chiều, từ các cơ quan ban hành và thực thi chính sách tới cộng đồng doanh nghiệp và ngược lại. “Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam là một trong những bước đột phá trong việc hình thành các kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý lâm nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh ngành gỗ đang có nhiều thay đổi”, ông Đỗ Xuân Lập nói.
Tính đến nay, cả nước có 5.650 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ, lâm sản. Trong đó, có 4.550 doanh nghiệp chế biến sản phẩm đồ gỗ; tham gia xuất khẩu là 2.392 doanh nghiệp, chiếm 42% tổng số doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản cả nước. 8 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp.
Với con số trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ vùng nguyên liệu, hình thành được hệ thống doanh nghiệp dân tộc đủ sức cho ngành kinh tế lâm nghiệp chế biến sâu phục vụ hội nhập và hiệu quả. Việc ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hiện nay khi ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang hướng đến những mục tiêu ở tầm cao mới. “Đây là dịp để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và chiến lược phát triển và các chương trình Đề án thời gian tới cho phát triển rừng, ngành lâm nghiệp bền vững ở cả 3 khu vực gồm: Chính phủ, các Bộ ngành; các Hiệp hội ngành hàng; các doanh nghiệp và người dân. 3 khu vực này cùng đồng hành để hướng đến mục tiêu cao hơn để “rừng là vàng” theo đúng nghĩa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ngành chế biến lâm sản đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD trong năm 2020 và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025.