Thứ tư 16/04/2025 20:25

Mừng thọ ngày Xuân - nét đẹp truyền thống hiếu nghĩa

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các địa phương đều tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi, thể hiện lòng tôn kính và truyền thống văn hóa lâu đời, tốt đẹp.

Nét đẹp văn hóa người Việt

Hằng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, để tỏ lòng tôn kính và truyền thống văn hóa lâu đời, tốt đẹp, các địa phương đều tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi.

Năm 2025, tại Hà Nội, có 160.328 người cao tuổi ở các độ tuổi từ 70 trở lên đã được chúc thọ, mừng thọ; trong đó có 1.698 cụ trên 100 tuổi và 808 cụ tròn 100 tuổi. Ngay từ đầu năm mới, nhiều cụ đã vinh dự nhận được thiệp chúc mừng từ Chủ tịch nước, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, năm nay có 33.389 cụ tròn 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100 tuổi được tổ chức mừng thọ, chúc thọ. Trong đó có 917 cụ trên 100 tuổi, 392 cụ tròn 100 tuổi. Lễ mừng thọ được các địa phương tổ chức trang trọng, gọn nhẹ, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, tạo khí thế tươi vui.

Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình trao giấy mừng thọ cho các cụ người cao tuổi. Ảnh: Phương Cúc

Tại tỉnh Thái Bình, chính quyền các cấp tổ chức lễ mừng thọ cho khoảng 58.000 người cao tuổi. Riêng tại xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, có 170 cụ được tổ chức lễ mừng thọ.

Ông Vũ Văn Xuyến, Chủ tịch hội người cao tuổi xã An Ấp cho biết: "Trong 170 người cao tuổi được tổ chức lễ mừng thọ, có 1 cụ trên 100 tuổi, 2 cụ 100 tuổi, 2 cụ 95 tuổi, 4 cụ 90 tuổi, 25 cụ 85 tuổi, 29 cụ 80 tuổi, 38 cụ 75 tuổi, 69 cụ 70 tuổi".

Theo ông Vũ Văn Xuyến, đây đều là những hội viên cao tuổi đã có đóng góp tích cực cho địa phương. Các cụ luôn là tấm gương sáng để nhân dân, con cháu trong gia đình học tập và noi theo.

Trong niềm hân hoan của buổi lễ mừng thọ, ông Nguyễn Thế Quỳnh, đại diện cho 170 người cao tuổi xã An Ấp, xúc động nói: "Mỗi dịp như thế này, nhìn thấy con cháu quây quần, tặng hoa tươi thắm, chúng tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh và được tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn". Ông cũng thay mặt những người cao tuổi hứa sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, đóng góp cho xã hội, đồng thời giáo dục con cháu và nỗ lực xây dựng cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhiều chính sách hướng tới người cao tuổi

Ông Vũ Văn Xuyến, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã An Ấp, tự hào chia sẻ về những tác động tích cực của các chính sách chăm lo cho người cao tuổi. "Chính quyền xã đã tạo điều kiện để các cụ sống vui, sống khỏe hơn thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao", ông Xuyến nói và cho biết thêm: "Hiện nay, có hơn 400 cụ tham gia vào các hoạt động này với 5 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ và 5 câu lạc bộ dưỡng sinh hoạt động rất hiệu quả".

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh Thái Bình, lễ mừng thọ không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa ứng xử của người Việt, đặc biệt là trong không khí hân hoan của mỗi độ Xuân về. Dù cách thức tổ chức có thể khác nhau giữa các địa phương, gia đình, nhưng ý nghĩa sâu sắc của nó vẫn vẹn nguyên, đều thể hiện sự tôn trọng, tình cảm và lòng hiếu thảo của con cháu đối với các bậc cao niên.

"Năm nay, các địa phương tiếp tục chú trọng tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ một cách trang trọng, tiết kiệm và phù hợp với thuần phong mỹ tục. Các cụ không chỉ nhận được những lời chúc tốt đẹp mà còn được trao tặng hoa, quà và bằng mừng thọ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền", bà Hoa chia sẻ.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Toàn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố, khẳng định rằng những chính sách của thành phố đã tạo điều kiện cho người cao tuổi có một cuộc sống an vui hơn. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, tạo cơ hội cho các cụ tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập rộng rãi, mang đến sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.

Lễ mừng thọ không chỉ đơn thuần là một nghi thức truyền thống, mà còn là một biểu tượng văn hóa chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn kính đối với những người đã dành cả cuộc đời để cống hiến và vun đắp cho gia đình, xã hội. Lễ mừng thọ còn là cơ hội để các thế hệ giao hòa, kết nối, nhắc nhở về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", về tầm quan trọng của tình thân và sự hiếu nghĩa.

Phương Cúc
Bài viết cùng chủ đề: Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Đền Đô được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Lễ hội Đình Thi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

Điện Biên: Hàng trăm người dự lễ hội té nước Bun Huột Nặm

Thanh Hóa tổ chức Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2025

Cập nhật Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số báo chí

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân ghi danh di sản thế giới

Đề nghị giữ nguyên tên gọi khu du lịch quốc gia sau sáp nhập

Việt Nam đăng cai giải bóng chuyền nữ Quốc tế 2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương: Tự hào cội nguồn, vững bước tương lai

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm lãnh đạo các cục, vụ

Quảng bá du lịch Việt Nam qua truyền thông Trung Quốc

Triển lãm ảnh 'Văn học, nghệ thuật Cần Thơ' gây ấn tượng

Nam Định chính thức mở lễ hội Phủ Dầy lớn thứ 5 cả nước

Phú Thọ: Kể câu chuyện ‘Văn hóa Hùng Vương’ qua hơn 300 hiện vật

Phú Thọ: Công chiếu thử phim tài liệu 'Thời đại Hùng Vương'

Phú Thọ: Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ

Gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sỹ Lư Nhất Vũ

Đền Hùng chật kín khách thập phương trong ngày đầu khai hội

Hà Nội: Ấn tượng hàng trăm thiếu nữ diện áo dài xếp hình bản đồ Việt Nam