Nỗi nhớ Phú Quốc Hà Nội: Nhộn nhịp phiên chợ Mơ những ngày cuối năm |
Hương lá mùi già - đưa Tết về ngang cửa
Bà nội tôi năm nay đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, thành ra lâu nay bà hay nhớ nhớ, quên quên từ những thứ đơn giản nhất trong cuộc sống thường nhật. Vậy nhưng, bà lại chưa bao giờ quên nhắc con cháu phiên chợ cuối năm phải mua mấy mớ mùi già để chiều 30 Tết đun lá tắm, cũng như xông rửa, lau dọn cửa nhà.
Chỉ cần bứt một cọng lá mùi già là hương thơm khó dứt |
Bà bảo: “Từ thời các cụ, ngày cuối năm, dù gạo, thịt không có nhiều để ăn nhưng nhà nào cũng phải có nắm lá mùi đun cho thơm cửa, thơm nhà. Tắm nước lá mùi để xua tan những chuyện không may mắn trong năm cũ, chuẩn bị đón năm mới an khang”.
Phải chăng bởi ý nghĩa tốt đẹp đó mà những chiều cuối năm gắn với ký ức tuổi thơ của tôi là cảnh các bà, các mẹ tất bật dọn dẹp nhà cửa, be lại bờ ruộng ngăn nước giữ ấm cho mạ… thì trên tay ai cũng có vài bó mùi cắt vội ở ruộng đầu làng mang về.
Tôi còn nhớ như in những năm mẹ tôi còn sống, chiều 30 Tết, khi nhà cửa đã sạch sẽ, mẹ mang nắm mùi ra rửa sạch bụi đất, rồi cho vào nồi nước đun. Bếp lửa hồng rực vừa làm xong “nhiệm vụ” luộc nồi bánh chưng, được đặt lên đó nồi quân dụng nước lá mùi sôi sùng sục.
Tinh dầu mùi theo thân, lá, quả tiết ra, làm nước chuyển màu vàng nâu nhạt. Mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu, lan tỏa khắp nhà, tạo cảm giác ấm cúng lạ thường, làm cho tâm hồn mỗi người dường như nhẹ nhàng, thư thái hơn. Nước càng sôi già thì mùi hương càng ngào ngạt. Thứ mùi thơm phảng phất chút cay không chỉ xoa dịu cái rét ngọt của thời tiết dịp Tết, loang mùi Tết, hương, vị Tết ra khắp không gian mà còn mang lại cảm giác yên bình sau cả một năm bận rộn.
10 nghìn đồng/bó mùi và không ai trả giá như những món hàng khác |
Sau này khi trưởng thành, sống giữa phố thị dù bận rộn với công việc, cuộc sống mưu sinh nhưng tôi vẫn không bỏ được thói quen đó. Trong danh sách những đồ dùng cần mua sắm ngày cuối năm thì “lá mùi già’’ luôn được ghi đầu tiên vào nỗi nhớ, và người tôi ngóng đầu tiên ra chợ chính là chiếc xe cà tàng của các cô, các bà chở những bó mùi già khẳng khiu cuối chợ.
Nguồn thu đáng kể cho người dân
Cuộc sống thời hiện đại có làm thay đổi không ít lề thói Tết khi xưa, nhưng thật lạ và thật vui là hương mùi già vẫn gắn bó với nhiều gia đình thời nay, kể cả ở phố thị.
Chị Phương - người dân trồng mùi ở Gia Lâm (Hà Nội) tất bật chở mùi đi khắp Hà thành để bán |
Bởi thế, những ngày chiều cuối năm, bãi ven sông Đuống, các xã Dương Xá, Kim Sơn, Lệ Chi, Dương Quang... (huyện Gia Lâm, Hà Nội) hay người dân làng Hoạch An (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội), người vùng rau của tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình… tất bật thu hoạch cây mùi già.
Chị Phương - một người dân trồng mùi ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) kể: Năm nào cũng vậy, cứ trước Tết khoảng 5 ngày là mọi người trong gia đình chị bận rộn với việc thu hoạch cây mùi già để bán cho người dân nấu nước tắm ngày cuối năm theo truyền thống. Thu nhập từ diện tích trồng mùi già cũng mang lại nguồn thu đáng kể .
"Trước đây, trên vùng đất bãi sông Đuống, người dân thường trồng ngô và một số cây khác nhưng chuột phá nhiều nên không hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng mùi, mỗi vụ 2 tháng mang lại nguồn thu bền vững cho người dân", chị Phương cho biết thêm.
Đến nay, gia đình chị Phương đã gắn bó với những thửa ruộng mùi được 8 năm. Ban đầu chỉ trồng vài trăm mét vuông, chủ yếu thu hoạch vào ngày giáp Tết, thương lái mua rồi mang tới chợ, nhưng giờ đây, diện tích trồng mùi của gia đình chị đã lên hơn 10.000m2.
Cây mùi còn được biết đến với nhiều tên gọi như mùi ta, ngò, ngò rí… Rau mùi vốn là loại rau ăn kèm trong bữa ăn thường ngày, có tác dụng chữa cảm cúm, nhức đầu, hạ sốt. Lá và hạt chứa tinh dầu có tác dụng kích thích hệ thần kinh.
Nhiều năm trở lại đây, tinh chất của cây mùi già được chiết xuất để làm đẹp, chăm sóc sức khỏe. Tinh dầu mùi già có rất nhiều công dụng như giúp thư giãn, thanh lọc, đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, giảm đau, giảm cân... vì thế ở một số địa phương, cây mùi còn được biết đến là cây có giá trị kinh tế cao.
Cánh đồng hoa mùi rộng hơn 4ha tại thôn Tân Sơn, xã Thạch Sơn, Huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa |
Điển hình tại thôn Tân Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có cánh đồng hoa mùi rộng hơn 4ha, được mệnh danh là cánh đồng hoa mùi lớn nhất Việt Nam. Qua tìm hiểu được biết, cánh đồng hoa mùi già này là vùng nguyên liệu của một công ty để tạo ra tinh dầu.
Những năm gần đây, các hộ gia đình trồng mùi lớn đã biết liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ. Nhờ sự liên kết này, người trồng mùi ở nhiều địa phương giờ đã yên tâm với thu nhập.
Những ruộng mùi già không chỉ làm đẹp cho vùng đất bãi, mà còn góp phần làm nên một nét mới trong đời sống làng quê nhờ cách làm bài bản... Đặc biệt, việc chưng cất, sản xuất tinh dầu mùi đã mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững cho người dân. |