Thương thằng cháu nội hơn 4 tuổi, bị cấm túc suốt trong thời gian dịch giã, chả được đến lớp mẫu giáo, cũng không đi đâu xa nên chúng tôi cho cháu về cùng. Thằng bé bỗng như hổ thả về rừng, chạy chơi dào dạt khắp vườn, giao tiếp ầm ầm với đám trẻ ở làng. Trông nó sinh động, tươi tắn, thích mắt lắm…
Một buổi, nó đứng trước cái ao mênh mông, nói đầy vẻ tư lự: "Cái này nhiều nước như biển ấy. Ông ơi, con nhớ biển Phú Quốc quá rồi!". Cháu tôi thuộc số trẻ con thời nay thỉnh thoảng thốt ra những câu rất "cụ non" như vậy. Tử vi nó hình như có cung Thiên Di, từ nhỏ đã được đi đủ các nơi theo bố mẹ. Nó còn ra nước ngoài, tung tăng khắp châu Âu hồi chưa đầy hai tuổi. Có bận, lên máy bay, bị delay, nó còn được chú phi công cho vào tận buồng lái xem. Mà nó cứ tự tin như không, gặp ai cũng ríu rít, thân thiết.
Nhưng sao nó lại nhắc đến biển Phú Quốc nhỉ? Nó đã từng đến Nha Trang, Vân Đồn, Vũng Tàu… đi chơi, tắm biển, chơi cát, bắt còng ở các biển ấy.
Thì ra ngay đứa bé con, bằng tiếp thu hồn nhiên và tự nhiên, đã ấn tượng về Phú Quốc của đất nước mình nhất. Trong các vùng biển phát triển nhanh, thì Phú Quốc đứng vào hạng nhất, nhì…
Khoảng hai chục năm gần đây, tôi đã nhiều lần đến Phú Quốc. Vẫn không quên cảm giác của lần đầu tiên, đi từ Sài Gòn xuống Kiên Giang bằng ôtô, rồi đợi tàu thủy để ra đảo. Phú Quốc hồi đó mới có mấy khu nghỉ dưỡng, xung quanh còn nguyên chất phố huyện, chỉ tập trung đông đúc ở khu vực chợ và thị trấn Dương Đông. Chúng tôi, ngoài việc đi thăm thú nơi nuôi trai lấy ngọc, trèo rừng xem thác suối, thì lại ra ngồi ở bờ biển làm vài chai bia với mực khô nướng… Thế là xong chuyến đi, đợi tàu về đất liền.
Chuyến đi tiếp theo thì đã bay bằng máy bay. Bay tàu bay to từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi nối chuyến sang máy bay nhỏ ATR 72, hạ cánh xuống sân bay nhỏ. Sau đó thì rất nhanh, được bay thẳng từ Hà Nội trên tàu bay lớn hiện đại, hạ cánh xuống Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc mới xây, rộng rãi và thơ mộng bên bờ biển xanh.
Năm ngoái, gia đình tôi đi nghỉ, đón năm mới dương lịch ở Phú Quốc, đúng vào thời điểm nơi này đón nhận tin vui: Phú Quốc được lên hạng đô thị, là thành phố trực thuộc tỉnh với 9 đơn vị hành chính: 2 phường và 7 xã. Đây là dấu ấn vượt bậc trong lịch sử hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm ở vịnh Thái Lan, là điểm cực Tây Nam đất nước. Đây cũng là dấu ấn đặc biệt quốc gia vì Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên ở nước ta...
Trong những ngày ấy, Phú Quốc tưng bừng và sinh động một sức sống mới. Hai đại lộ xuyên đảo theo hướng Bắc Nam kéo dài hơn 30 cây số tấp nập xe cộ. Các chuyến bay chao lên đáp xuống. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn cũng vừa bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài yên ắng do đại dịch Covid -19. Nắng vàng, biển lam, rừng xanh, mây trắng, trời trong, gió lộng càng như hiểu và chiều theo lòng người.
Giao thừa dương lịch năm ngoái, pháo hoa bung nở đa sắc lộng lẫy trên bầu trời biển. Tại các tụ điểm, các khách sạn, khu resort, mọi người hối hả chuẩn bị đón năm mới với niềm vui rạo rực. Sau đó, một lễ hội lớn được tổ chức để đón khách cùng về chung vui với huyện đảo, chứng kiến và chào mừng thành phố đảo Phú Quốc hiện diện.
Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc, là vùng biển đảo cổ xưa, cách thành phố Rạch Giá 120 km và Hà Tiên 45 km. Từ 500 năm trước Công nguyên, người Việt, với những dấu hiệu của nền văn hóa Óc Eo, đã hiện diện ở đây. Sau đó là dằng dặc thời gian, vùng này chỉ là nơi trú ngụ cho những người gặp nạn trên biển dạt vào hay những nhóm cư dân trốn tránh họa nạn từ đất liền vượt ra. Năm 1770, nhà truyền đạo Bá Đa Lộc đặt chân lên Phú Quốc, có những ghi chép về những người Việt nói tiếng Việt tại đây. Cuối thế kỷ 17, đầu 18, nhà Nguyễn, với công cuộc mở đất Nam Bộ, đã xác lập sự quản lý vùng biển đảo này. Những người châu Âu đầu tiên đến Phú Quốc là đoàn của Đại sứ Vương quốc Anh John Crawfurd trên đường đi Xiêm La, đã ghé vào, được người dân thân thiện đón tiếp.
Phú Quốc được đặt làm đại lý hành chính thuộc hạt Kiên Giang dưới thời Pháp thuộc, rồi sau đó có lúc gọi là làng, là tổng, trở lại gọi là đại lý và thành quận thuộc tỉnh Hà Tiên năm 1924…
Sau ngày 30/4/1975, Phú Quốc thành huyện đảo thuộc Kiên Giang. Năm 2014, Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020. Sau nhiều năm thực hiện quy hoạch này, tốc độ tăng trưởng của Phú Quốc luôn đạt mức cao và ổn định. Phú Quốc hiện có tới hơn 320 dự án đầu tư với tổng số vốn khoảng 350 nghìn tỷ đồng.
Với vị thế địa lý nằm giữa vùng biển Tây Nam, có bờ biển dài trên 200km, diện tích biển khoảng 63.000km2 và trên 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Phú Quốc là đảo lớn nhất, rất phong phú về hải sản, lại có nguồn nước ngọt dồi dào và nhiều đặc sản nổi tiếng như nước mắm, hồ tiêu, sim… là tiềm năng và điều kiện cho việc hướng đến nền kinh tế biển đa dạng.
Phú Quốc luôn được xếp trong top 10 bãi biển đẹp nhất thế giới. Bờ biển dài, nhiều bãi biển nguyên sơ dưới chân những cánh rừng nguyên sinh. Đã có một hệ thống tàu cao tốc, tàu phà nối với hai bến cảng Rạch Giá, Hà Tiên tần suất 5 chuyến đi, về/ngày, Cảng Hàng không có tần suất 15-20 chuyến bay/ ngày nối với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vinh và nhiều quốc gia. Hệ thống giao thông này đã dễ dàng đưa du khách đến Phú Quốc quanh năm với vài triệu lượt người.
Phú Quốc với diện tích gần 590 km2, rất đa dạng về địa lý, sinh thái, có vườn quốc gia, có biển, có núi, có khí hậu hài hòa, nằm trên một cung đường biển thế giới đông vui, thì dư địa phát triển là vô cùng lớn lao. Phú Quốc sẽ nhanh chóng trở thành một trung tâm dịch vụ, du lịch biển mang tầm vóc quốc tế.
Phú Quốc trở thành thành phố đảo là kết quả đẹp đẽ của chính sách đầu tư đúng đắn, khi tiềm năng được khơi dậy, được tin cậy đặt vào những tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tàu. Một cụm công trình bất động sản, du lịch sinh thái, vườn thú, khách sạn cao cấp do Vingroup xây dựng ở phía Bắc đảo. Một hệ thống khu du lịch cao cấp, tinh xảo cùng đường cáp treo vươn ra các hòn đảo lân cận do Sun Group thiết kế và đầu tư ở phía Nam đảo. Đây là hai động lực chính, mạnh mẽ và quyến rũ, mời gọi và thu hút các dự án khác thành một hệ thống hấp dẫn để đưa huyện đảo nâng cánh bay lên với tầm vóc mới.
Năm ngoái, tôi đã đến khu phố mới ở quảng trường Địa Trung Hải, đứng ngắm mà ngỡ ngàng. Chỉ trong hai năm, từ một sườn đồi đá sỏi, đã hiện ra một thành phố cổ kính nhìn xuống vịnh biển trong không gian man mát như đang ở nước Ý bên Địa Trung Hải.
Thế mà đã vùn vụt trôi qua đúng một năm rồi. Một năm dịch giã đón chặn Phú Quốc ở ngay chặng đường vừa lên thành phố, chắc chắn đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ của nhiều dự án đang mở ra, đang chờ hoàn thiện.
Lời nhắc nhở của đứa cháu làm cho tôi bỗng lây lan cái nỗi nhớ Phú Quốc của nó. Vào mạng xem tình hình thì thấy các đường bay quốc tế đã mở ra. Những chuyến đầu tiên thông thương hàng không là đáp xuống Phú Quốc. Vậy thì vẫn tin là sự bừng dậy của Phú Quốc sẽ tiếp tục. Sau đại dịch, còn nhiều nơi nữa ở đất nước này cũng tiếp tục bừng dậy như vậy.
Tôi nói với cháu nội: Năm nay, mình lại đi biển Phú Quốc. Mình sẽ ngắm xem nơi ấy tiếp tục đẹp lên như thế nào, rồi đi tắm biển, đi thăm phố xá, nếm lại món gỏi cá trích, xơi món bún quậy, thưởng thức gà rẫy nướng trứ danh… Thế là chúng ta sẽ thỏa nỗi nhớ Phú Quốc nhé…
Làng Phú La, đầu năm 2022