Nâng chất thị trường lao động ngoài nước: Góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững Đảm an toàn cho người lao động Việt Nam làm việc trên tàu vận tải qua khu vực Trung Đông-châu Phi |
Tăng cả cung và cầu
Năm 2024, Việt Nam dự kiến đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả 7 tháng qua, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 89.874 người, đạt 71,89% kế hoạch năm. Với đà này, giới chuyên gia nhận định, mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 sẽ về đích sớm.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, khi ngày càng nhiều nước trên thế giới mong muốn tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động của Việt Nam. Riêng với thị trường Hàn Quốc, bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) - cho biết, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã có công hàm thông báo đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến phân bổ cho Việt Nam gần 10.000 lao động ngành sản xuất chế tạo trong tổng số 165.000 lao động tiếp nhận (trong đó chưa tính các ngành như nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và một số hạn ngạch khác).
Hàn Quốc là một trong những thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Ảnh: VGP |
Năm nay, Hàn Quốc không chỉ tiếp nhận lao động có tay nghề hàn mà bổ sung thêm ngành khuôn mẫu, với tổng số dự kiến khoảng 400 người (trong đó 300 người nghề hàn và 100 người ngành khuôn mẫu).
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Lao động Việt Nam đã được tuyển dụng 5/6 ngành nghề cho phép người lao động nước ngoài làm việc (trừ nghề khai thác mỏ), các doanh nghiệp Hàn Quốc rất hài lòng và đánh giá cao tay nghề, ý thức làm việc của lao động Việt Nam.
Từ ngày 1/1/2025, Hàn Quốc sẽ áp dụng mức lương tối thiểu tăng thêm 1,7%, trong đó có lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này. Cụ thể, mức lương tối thiểu tính theo giờ tăng lên 10.030 won. Về mức lương tối thiểu tính theo tháng (người lao động làm việc 40 giờ/tuần, 209 giờ lao động tiêu chuẩn) với mỗi ngày làm việc 8 giờ là 2.096.270 won. Như vậy, ngoài được hưởng mức lương cơ bản, lao động Việt Nam còn được nhận lương làm thêm giờ và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của Hàn Quốc.
Đối với thị trường Nhật Bản, thu nhập của người lao động tại đây đang dao động từ 1.200 - 1.600 USD/tháng. Những tháng đầu năm 2024, Nhật Bản là 1 trong 3 thị trường chủ lực, tiếp nhận lượng lớn lao động Việt Nam. Khoảng 570.000 người Việt đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang nước này.
Nhật Bản cần nhiều lao động các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe... Trong đó đáng chú ý, các cơ sở y tế của Nhật đang mong muốn tiếp nhận nhiều hơn điều dưỡng, hộ lý từ Việt Nam theo chương trình VJEPA – chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Song số ứng viên tham gia chương trình này chưa đáp ứng được nhu cầu, mặc dù Nhật Bản đã nới lỏng một số tiêu chí như giảm thời gian đào tạo tiếng Nhật xuống 3 tháng.
Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chương trình mới thay thế cho chương trình thực tập sinh kỹ năng cũ. Theo đó, chương trình mới sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, tạo cơ hội cho người lao động làm việc lâu hơn tại quốc gia này, qua đó giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng do dân số già hóa tại quốc gia này.
Mở rộng thêm thị trường
Cùng với các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… một số thị trường mới cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam, điển hình là một số nước thuộc Đông Âu: Romania, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Serbia...
Mới đây, Đoàn công tác tỉnh Plzen, Cộng hòa Séc đã có buổi làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Nguyễn Bá Hoan khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Cộng hòa Séc trong tuyển chọn, đào tạo đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở những ngành nghề Cộng hòa Séc có nhu cầu và phù hợp với pháp luật của hai nước.
Giai đoạn 2006 - 2008, Cộng hòa Séc tiếp nhận nhiều công dân Việt Nam với số lượng khoảng 10.000 người. Sau thời gian này, phía Cộng hòa Séc đã thực hiện chính sách hạn chế cấp visa lao động cho người lao động Việt Nam. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã có cuộc điện đàm thống nhất thúc đẩy nhiều nội dung về hợp tác song phương giữa hai quốc gia, trong đó có nội dung hợp tác về di cư lao động.
Theo Tỉnh trưởng tỉnh Plzen, dân số thế giới đang già đi và sẽ ngày càng cần được chăm sóc nhiều hơn. Hiện Cộng hòa Séc nói chung và tỉnh Plzen nói riêng đang thiếu hụt nhân viên y tế. Chuyến thăm của Đoàn đến Việt Nam lần này nhằm tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác về lao động.
Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình, ngành nghề, công việc như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.
Việt Nam đang tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập, điều kiện làm việc tốt, như Đức, Hy Lạp… Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng với đó, tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường hiện có và sẽ phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vấn đề nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm. Qua đó, góp phần đảm bảo được vị thế của người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, cũng như nâng cao trình độ của người lao động để về làm việc trong nước.
Trong bối cảnh nhiều thị trường lao động nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như lao động trong nước muốn tìm kiếm việc làm tại những thị trường thu nhập tốt, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, người lao động cẩn trọng với tình trạng lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng; cơ quan chức năng thông tin hướng dẫn, tư vấn người lao động sự chuẩn bị cần thiết và các kênh/hình thức để đảm bảo đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả.
Người lao động cần đặc biệt chú ý tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc tại một số thị trường, ngành nghề như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)… |