Thông tin Tổng cục Hải quan vừa đưa ra cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 6 đạt 662 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng trước.
Sầu riêng là "quán quân" xuất khẩu hoa quả nửa đầu năm nay |
Tính chung 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt tới 2,68 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 60,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu tăng cao đột biến, đặc biệt trong 2 tháng gần đây. Cụ thể, tháng 5 xuất khẩu đạt 332 triệu USD và tháng 6 đạt 375 triệu USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 876 triệu USD, tăng tới 832 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng gần 19 lần (cùng kỳ 44,2 triệu USD).
Như vậy, riêng mặt hàng sầu riêng chiếm gần 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước trong 6 tháng đầu năm.
Riêng kim ngạch xuất khẩu sâu riêng sang thị trường Trung Quốc đạt 835 triệu USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Sầu riêng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỉ USD ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhất là khi mùa sầu riêng Tây Nguyên sẽ bắt đầu cho thu hoạch vào quý 3.
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tiếp tục tăng do giá bán tăng khá trong thời gian gần đây. Hiện tại, nguồn cung sầu riêng của các nước đang giảm dần vì vào cuối vụ thu hoạch. Sầu riêng Tây nguyên của Việt Nam đang dần trở lại thế "một mình một chợ" trên thị trường.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, nhu cầu và tiềm năng của thị trường Trung Quốc còn rất lớn, trị giá hơn 4 tỉ USD năm 2022. Đây là thị trường tiềm năng của sầu riêng Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách, ký nhiều nghị định thư, FTA mở cửa thị trường cho ngành rau quả phát triển. Đây là cơ hội lớn cho trái sầu riêng.
Riêng tại Trung Quốc, gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc mua giá cao. Nguyên nhân bởi khoảng cách địa lý gần, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái.
Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số tương ứng là 293 và 115 cơ sở đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch. Đây là những điều kiện để có thể tin tưởng xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của xuất khẩu sầu riêng cũng gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt về vấn đề gian lận mã số vùng trồng. Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan chức năng, địa phương và doanh nghiệp để hạn chế tối đa tình trạng này, tránh việc các mã sống vùng trồng đã được cấp rồi lại bị thu hồi, ảnh hưởng đến thương hiệu trái cây Việt Nam.