Luật Việc làm sửa đổi nhằm thúc đẩy tạo việc làm chủ động, bền vững Sửa đổi Luật việc làm: Những ai không được hưởng trợ cấp thất nghiệp? |
Điều chỉnh phù hợp với thực tiễn
Luật Việc làm năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động. Trải qua thời gian thực thi, Luật Việc làm đã phát huy vai trò của chính sách đến việc làm, an sinh xã hội của đất nước.
Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động. Ảnh Công Thử/TTXVN |
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, Luật Việc làm đã có tác động rất tích cực đến người lao động, doanh nghiệp. Trong hai năm dịch Covid-19 bùng phát, một số chính sách từ Luật Việc làm như bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện vai trò "giá đỡ", đồng hành cùng người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn. "Các quy định của Luật Việc làm đã đi vào cuộc sống, phát huy vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội" - ông Trung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhìn nhận, cùng Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm đã tạo ra tác động tích cực đến lĩnh vực việc làm, điều kiện làm việc, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm hơn rất nhiều dù còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, Luật Việc làm đã nâng cao trách nhiệm của người lao động cũng như người sử dụng lao động trong việc duy trì, phát triển thị trường lao động. Hơn thế, nhà nước đã có những chính sách quan tâm đến người lao động khi mất việc làm qua việc thực hiện trợ cấp, kết nối tạo việc làm để người lao động quay lại thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm năm 2013 đã bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, đáng quan tâm là một số quy định, chính sách của Luật Việc làm năm 2013 đã không thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan... Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng dự thảo Luật Việc làm sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Việc làm năm 2013, cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực việc làm.
Bên cạnh đó, trước xu hướng thị trường lao động Việt Nam hiện nay đang đòi hỏi những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập, để tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, việc làm đòi hỏi cần điều chỉnh các quy định pháp luật để một mặt phù hợp các công ước, cam kết và thông lệ quốc tế, mặt khác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, người sử dụng lao động Việt Nam.
Kỳ vọng về 4 chính sách lớn
Trên tinh thần đó, Luật Việc làm sửa đổi sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách, gồm: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm sửa đổi sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động…
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - ông Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh, Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động). Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.
Bên cạnh đó, Luật Việc làm cũng sẽ đem đến nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phủ khắp hầu hết các địa phương trên cả nước, giúp lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp... một cách dễ dàng, thuận tiện, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp... Đồng thời, điểm đáng chú ý đó là Luật còn tập trung về sửa đổi các quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.
Đồng tình với đề xuất sửa Luật Việc làm, ông Lê Quang Trung đánh giá, việc sửa đổi Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bởi quá trình triển khai Luật Việc làm đã phát sinh những phát sinh mới, gây khó khăn đối với lĩnh vực việc làm. Theo đó, việc sửa đổi Luật Việc làm ngoài phù hợp và đáp ứng với các cam kết quốc tế về lao động, việc làm còn là để giúp người chưa có việc làm thì có việc làm, người có việc làm thì có việc làm tốt hơn; cũng như có những hướng dẫn đồng bộ về thị trường lao động, tăng cường kết nối cung cầu để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững.
Ông Vũ Minh Tiến cũng cho rằng, các đề xuất điều chỉnh của Luật Việc làm là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đang đặt ra hiện nay đối với nhu cầu việc làm của người lao động. Bởi, không có việc làm người lao động sẽ không có thu nhập, trong khi chính trợ cấp chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn. "Do đó, thông qua Luật Việc làm sửa đổi sẽ khẳng định rõ nét hơn vai trò quản lý chính sách tạo việc làm của nhà nước cũng như trách nhiệm duy trì việc làm của doanh nghiệp và nỗ lực, có khát vọng vươn lên để có được việc làm ổn định, chất lượng của người lao động" - ông Tiến nhấn mạnh.
Theo dự kiến, Luật Việc làm sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Thời gian Luật có hiệu lực từ 01/01/2026. |