Bài 1: Giá điện và công tác thực thi chính sách Cảnh giác trên ‘chiến trường thông tin’, tăng giá điện bị đẩy thành ‘vũ khí’ chống phá Bài 3: Chính sách giá điện đang dần theo hướng thị trường |
Trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhu cầu về năng lượng và đặc biệt là điện ngày càng tăng cao. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó có nội dung chính sách giá điện mới nhằm thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh, tăng cường an ninh năng lượng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện.
Thể chế hóa chính sách giá điện theo hướng thị trường
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thể chế hóa chính sách giá điện theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng quốc gia. Cụ thể, dự thảo khuyến khích thị trường hóa giá điện với sự điều tiết của Nhà nước, giảm dần và tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng miền và các nhóm khách hàng, đảm bảo giá điện phản ánh đúng chi phí và khuyến khích sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung vào việc thiết lập chính sách giá điện mới nhằm thúc đẩy phát triển nguồn điện bền vững, tăng cường an ninh năng lượng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện. - Ảnh: Vietnam Investment Review |
Ngoài các loại hình điện truyền thống, dự thảo Luật quy định thẩm quyền liên quan quy định phương pháp xác định giá của dịch vụ về điện đối với hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thủy điện tích năng để đảm bảo có cơ chế phù hợp trong phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để hoạt động phát điện và sử dụng điện.
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp điện ổn định, dự thảo Luật Điện lực cũng đề xuất các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án điện theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Cụ thể, chính sách này sẽ bao gồm các quy định về sản lượng điện tối thiểu, nguyên tắc tính giá và các biện pháp hỗ trợ để nhà đầu tư yên tâm tham gia. Việc này giúp rút ngắn thời gian đàm phán giữa các chủ đầu tư và bên mua điện, đẩy nhanh quá trình triển khai dự án điện, đặc biệt trong các giai đoạn có nhu cầu cấp thiết về điện.
Thúc đẩy công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường
Một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Luật Điện lực là khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải và tăng tính cạnh tranh. Dự thảo áp dụng cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng tiêu thụ điện lớn và phát thải cao, khuyến khích các ngành công nghiệp chiến lược và các trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh.
Việc bổ sung quy định trên cũng là một trong những tín hiệu để các nhà đầu tư hiện hữu trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài hay các nhà đầu tư mới đều phải xem xét, cân nhắc lựa chọn công nghệ phù hợp để sản phẩm tạo ra không những có giá trị cao, tạo sức cạnh tranh mạnh mà còn phải góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường.
Điều chỉnh quy định về “giá điện” và “giá các dịch vụ về điện”
Trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, thuật ngữ “Giá điện và giá các dịch vụ về điện” được điều chỉnh thay cho “Giá điện và các loại phí” trước đây.
Theo Bộ Công Thương, sự thay đổi này là cần thiết để phù hợp với Luật Giá năm 2023, theo đó, các phí dịch vụ như điều độ vận hành, giao dịch thị trường điện lực và phân phối điện đều được chuyển thành “giá” thay vì “phí”.
Bộ Công Thương phân tích, Luật Giá năm 2023 đã quy định tên hàng hóa, dịch vụ về điện gồm: Điện (bán lẻ, bán buôn); các dịch vụ về điện bao gồm: Dịch vụ phát điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện, dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phân phối điện.
Với đặc thù sản phẩm điện là vô hình và quá trình sản xuất, tiêu thụ không thể tách rời, sản phẩm điện được coi là dịch vụ thay vì hàng hóa thông thường. Do đó, để thể hiện giá cho sản phẩm điện, Luật Điện lực đã hiệu chỉnh và hoàn thiện các nội dung liên quan thuộc Giá dịch vụ về điện.
Điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường
Một vấn đề đáng chú ý khác trong dự thảo Luật Điện lực là điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo cơ chế thị trường. Cụ thể, dự thảo đề xuất Chính phủ thay Thủ tướng Chính phủ đảm nhận vai trò quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, tạo điều kiện cho giá điện phản ánh kịp thời các biến động thị trường, chi phí đầu vào và lợi nhuận hợp lý. Điều này giúp bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp điện lực, đồng thời đảm bảo giá điện bình quân được điều chỉnh ít nhất ba tháng một lần. Việc thay đổi thẩm quyền quyết định giá điện nhằm nâng cao tính linh hoạt trong việc phản ánh chi phí, tăng cường tính minh bạch, đảm bảo nguyên tắc chung là Chính phủ đóng vai trò ban hành thể chế pháp luật, cơ chế chính sách về điều chỉnh giá điện phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, phù hợp với thực tiễn điều chỉnh giá điện thời gian qua.
Quy định về giá dịch vụ điện cho các loại hình năng lượng mới
Với mục tiêu phát triển đa dạng nguồn năng lượng, dự thảo Luật Điện lực bổ sung quy định về giá dịch vụ điện cho các loại hình phát điện mới như điện tích năng, năng lượng tái tạo kết hợp lưu trữ và điện hạt nhân.
Theo đó, Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá của dịch vụ về điện đối với hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thủy điện tích năng trong trường hợp bên bán điện đầu tư dự án nguồn năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để hoạt động phát điện.
Bộ Công Thương cũng quy định phương pháp xác định chi phí phát điện của Nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thuỷ điện chiến lược đa mục tiêu do Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng và vận hành; nhà máy điện phối hợp vận hành theo danh sách do Bộ Công Thương quy định, bao gồm nhà máy điện có cùng tính chất vận hành với nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.
Khung giá cho các loại hình cung cấp điện
Dự thảo Luật Điện lực lần này đã cụ thể hóa khung giá cho các loại hình cung cấp điện, bao gồm các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí trong nước, nhiệt điện khí hoá lỏng, nhà máy điện mặt trời, điện gió (gồm cả điện gió ngoài khơi), năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện, thuỷ điện tích năng, điện sinh khối và nhập khẩu điện.
Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và linh hoạt trong điều hành giá điện, phù hợp với đặc thù từng loại hình phát điện. Tuy nhiên, các nhà máy điện đầu tư theo hình thức đối tác công tư – BOT, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy điện phối hợp vận hành có cùng tính chất vận hành với nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy NLTT nhỏ và một số nhà máy năng lượng tái tạo nhỏ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh này, nhằm đảm bảo sự phù hợp với mục tiêu phát triển của từng loại hình.
Nghiên cứu áp dụng giá điện hai thành phần
Một điểm mới trong dự thảo Luật Điện lực là luật đã bổ sung cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu, áp dụng cơ chế giá điện hai (nhiều) thành phần. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép.
Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất, nghiên cứu cơ chế giá điện nhiều thành phần, xây dựng lộ trình áp dụng (áp dụng trên phạm vi giới hạn để đánh giá, quan sát kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm trước khi mở rộng phạm vi áp dụng, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi).
Tăng cường kết nối lưới điện khu vực và mua bán điện với nước ngoài
Để đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước và đảm bảo an ninh năng lượng, dự thảo Luật Điện lực khuyến khích tăng cường kết nối lưới điện với các quốc gia láng giềng và mua bán điện với nước ngoài.
Nguyên tắc mua bán điện với nước ngoài trong dự thảo bao gồm đảm bảo lợi ích của Nhà nước, khách hàng sử dụng điện và phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Giá nhập khẩu điện phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm tối đa chi phí phát điện nhằm hỗ trợ giá điện ở mức hợp lý, qua đó hạn chế tác động việc điều chỉnh giá bán lẻ điện… Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ và Bộ Công Thương quy định một số nội dung chi tiết để đảm bảo thuận tiện trong quá trình thực thi và phù hợp với điều kiện thực tế từng thời kỳ.
Nhìn chung, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này không chỉ là một công cụ pháp lý để điều tiết thị trường điện mà còn là bước tiến quan trọng trong việc phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường. Việc hoàn thiện chính sách giá điện giúp tạo ra một thị trường điện minh bạch, công bằng và cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về năng lượng của Việt Nam.
Với các điều chỉnh và cải cách mạnh mẽ trong chính sách giá điện, dự thảo Luật Điện lực được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy ngành điện Việt Nam phát triển bền vững, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.