Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thành viên tổ soạn thảo dự án Luật.
Ông có kỳ vọng như thế nào sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua?
So sánh với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có nhiều nội dung mới quy định rõ hơn về quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam |
Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng khi luật đi vào cuộc sống. Trước hết, quyền chính đáng của người tiêu dùng đã có biện pháp bảo vệ tốt hơn. Hiện nay quyền lợi của người tiêu dùng hay bị xâm hại từ hoạt động thương mại điện tử nói riêng và từ kinh doanh qua mạng nói chung. Có rất nhiều rủi ro, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi, nhiều trường hợp thanh toán tiền rồi mà không nhận được hàng. Vì vậy, luật sửa đổi lần này đã bổ sung khá nhiều nội dung xung quanh giao dịch qua không gian mạng để làm sao người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi tốt hơn.
Một điểm mới và tiến bộ của Luật sửa đổi lần này đó là tổ chức xã hội trước đây hoạt động rất khó khăn, hoạt động trong tình trạng nhiệm vụ được giao, trách nhiệm có nhưng không có quyền để có thể hỗ trợ tốt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, luật mới đã cải thiện rất nhiều.
Đơn cử như, tổ chức xã hội đứng ra khởi kiện tổ chức kinh doanh vì lợi ích công cộng. Theo quy định phải nộp án phí, lệ phí, nếu thành công quyền lợi người tiêu dùng được bồi thường, tổ chức xã hội không có gì. Đây là bất cập, không khuyến khích tổ chức xã hội đứng ra khởi kiện.
Tuy nhiên, Luật mới đã tạo điều cho tổ chức xã hội đứng ra khởi kiện và không mất án phí, lệ phí. Tiền bồi thường trong trường hợp không có địa chỉ cụ thể trả cho người tiêu dùng được đưa vào Quỹ để phục vụ bảo về quyền lợi của người tiêu dùng, Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể về sử dụng, quản lý quỹ này.
Tôi cho rằng đây là điểm mới căn bản, cùng với đó vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được nâng lên. Cụ thể, đã có hẳn 01 chương (Chương IV) quy định về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội. Vì vậy, chúng tôi rất mong đợi và kỳ vọng về nội dung này.
Ông có đánh giá gì về vai trò của cơ quan chủ trì, soạn thảo dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)?
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30 -CT/TW ngày 22/01/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, soạn thảo dự án Luật sửa đổi. Tôi đánh giá cao Bộ Công Thương đã xuất sắc trong vai trò là cơ quan chủ trì.
Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo, trong đó Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được mời tham gia vào Ban soạn thảo và vào tổ biên tập. Ban soạn thảo đã hoạt động rất tích cực, cùng với nhiều Bộ, ngành khác, tổ chức nhiều hội thảo, qua đó, lắng nghe các ý kiến góp ý của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để hoàn thiện dự thảo luật.
Bộ Công Thương cũng tập trung nguồn lực, tham khảo kinh nghiệm từ các nước để từ đó lựa chọn những nội dung phù hợp có thể vận dụng cho Việt Nam. Đó được coi là nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, là cơ quan được Quốc hội giao cho thẩm định dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức các đoàn công tác đi thẩm định, làm việc với các Bộ, ngành, tỉnh/thành liên quan nhất là các tỉnh, thành trọng điểm như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó lắng nghe chính quyền cơ sở đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi.
Luật sửa đổi đã có những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, tránh trường hợp lợi dụng danh nghĩa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng là nơi sản xuất hàng hóa sản phẩm đóng góp cho ngân sách nhà nước, chúng ta phải bảo vệ và khuyến khích ủng hộ những doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm đạt chất lượng, giá cả cạnh tranh. Luật mới đã cân bằng được lợi ích của nhà nước - người tiêu dùng - doanh nghiệp.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ giải quyết những vấn đề về quyền lợi người tiêu dùng hay bị xâm phạm trong hoạt động thương mại điện tử |
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ giải quyết những vấn đề về quyền lợi người tiêu dùng thường hay bị xâm phạm trong sử dụng dịch vụ, mua bán hàng hóa ra sao, thưa ông?
Quyền lợi người tiêu dùng xảy ra trong mối quan hệ giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh và dịch vụ. Các lĩnh vực hay gặp khiếu kiện cụ thể lĩnh vực mua bán hàng hóa, dịch vụ, đơn cử như: Dịch vụ du lịch, nhiều đoàn mua tour đã khiếu kiện do mua sản phẩm không đúng quảng cáo, thông tin sai lệch.
Hay trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản, dịch vụ y tế, số lượng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ không đúng như thỏa thuận hoặc quảng cáo… Điều này, càng thường xảy ra hơn trong hoạt động thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên quốc gia. Luật sửa đổi đã khắc phục được khá nhiều vấn đề vướng mắc mà luật hiện hành chưa giải quyết được.
Xin cảm ơn ông!
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV với 93,72% đại biểu tán thành, gồm 07 Chương, 80 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. |