Sơn La không có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhưng các sản phẩm này đã góp phần lớn vào phát triển kinh tế địa phương. |
Gần 100 sản phẩm được xây dựng thành công |
Từ năm 2018, tỉnh Sơn La đã bắt đầu triển khai chương trình OCOP nhằm xây dựng các sản phẩm đặc trưng theo tiềm năng lợi thế của từng địa phương. Sau gần 5 năm thực hiện chương trình này đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được giá trị không chỉ trong nước mà vươn ra thị trường quốc tế. Sản phẩm cà phê là 1 trong những sản phẩm OCOP hàng đầu của tỉnh Sơn La, đây cũng là sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu của địa phương này. Sơn La hiện có 83 sản phẩm OCOP, trong đó có 51 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. |
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Chương trình OCOP đã tạo cơ sở để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm của địa phương, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Việc chú trọng phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tạo thêm sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có kết quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. |
Là sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn 5 sao, ông Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc HTX cà phê Bích Thao chia sẻ, để có sản phẩm chất lượng, 100% phải là cà phê chín đỏ, thu hái, sơ chế theo quy trình và được phơi trong nhà kính. Để sản xuất trà quả cà phê, cà phê sẽ được thu hái từ 9-10 giờ sáng và 15-17 giờ chiều, đảm bảo giữ được lượng đường tự nhiên có trong vỏ cà phê. Cà phê thu hái về sẽ được rửa, hong khô từ 3-4 giờ rồi thực hiện tách vỏ. Công đoạn tách vỏ không sử dụng nước như quy trình sản xuất truyền thống nên tránh gây ô nhiễm môi trường. Vỏ cà phê được sản xuất thành trà, nhân dùng để chế biến cà phê mật ong. Năm 2019, HTX cà phê Bích Thao đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao gồm: trà quả, cà phê và cà phê bột nguyên chất. Tiếp tục năm 2021, sản phẩm cà phê bột nguyên chất Bích Thao đã vượt qua nhiều ứng cử viên và được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Bên cạnh đó còn tạo việc làm cố định cho 10 công nhân trên địa bàn với mức lương 5 – 7 triệu đồng/người. |
Là một trong những sản phẩm 4 sao đang được định hướng xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao là Cao Sâm Ngọc Linh của Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long, huyện Mai Sơn (Sơn La). Năm 2009, ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty đã trồng thành công loại dược liệu quý này dưới những tán rừng già bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn. Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc công ty chia sẻ: sau nhiều năm lăn lộn tại Quảng Nam, Kon Tum, tôi tự hỏi tại sao vùng Sơn La có đầy đủ các yếu tố về khí hậu, độ cao… cho cây Sâm Ngọc Linh sinh trưởng mà lại bỏ phí đi như vậy. Thế là tôi đã quyết tâm học hỏi và mang về trồng ở Sơn La. Sau đó, nhiều năm liên tục tôi đã lang thang khắp các cánh rừng trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam. Sau này, lại tiếp tục ăn rừng, ngủ rừng khắp các cánh rừng già thuộc các xã vùng cao của Sơn La để trồng thử nghiệm từ hạt giống cho đến các cây giống từ 1 đến 3 năm tuổi... Những ngày lang thang, ăn ngủ khắp các cánh rừng để trồng thử cây giống từ huyện biên giới Sông Mã, Sốp Cộp hay vùng cao Bắc Yên, Thuận Châu..., cuối cùng ông Nguyễn Chí Long đã dừng chân ở bản vùng cao Sam Ta của huyện Mai Sơn để thử sức với cây sâm Ngọc Linh. Quả ngọt đã đến khi ông gieo trồng thành công bằng hạt giống với tỷ lệ hạt nảy mầm và phát triển tốt đạt trên 90%. Đến nay, công ty đã có 3 sản phẩm OCOP từ Sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn 4 sao. |
Thời gian qua tỉnh Sơn La đã tổ chức liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm, đặc biệt là đã đưa các sản phẩm OCOP tham dự tại các hội chợ quốc tế tại: Italy, Trung Quốc, Thái Lan… đồng thời quảng bá trên toàn quốc. Sản phẩm OCOP của tỉnh đã được xuất khẩu tới trên 20 thị trường. Nhờ đó các sản phẩm OCOP đã được rất nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như mật ong, cà phê, mận, long nhãn, trà xanh… |
Gắn phát triển sản phẩm với phát triển du lịch nông thôn |
Những năm gần đây, ngoài việc phát triển sản phẩm OCOP, Sơn La đã thực hiện theo hướng liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội…, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp. |
Ông Hoàng Văn Thụ, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, giới thiệu về sản phẩm |
Đơn cử, ngày 27/5/2023, tại thung lũng Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu đã diễn ra Ngày hội hái quả mận hậu. Đây là một trong các hoạt động tại Ngày hội Du lịch Văn hóa tỉnh Sơn La “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới” tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Trong khuôn khổ Ngày hội, diễn ra các hoạt động như: Thi hái quả, giới thiệu, trình bày mâm quả, thưởng thức quả; tham quan các gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của văn hóa các dân tộc ở Mộc Châu; tham gia các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian... Du khách vào hái mận, phải mua vé 20.000 đồng/người. Tại đây, du khách được ăn thỏa thích và hái mận mang về với giá 40.000 đồng/kg. Qua đó, ngày hội thu hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế tham dự. Là cơ hội quý để quảng bá sản phẩm mận hậu Mộc Châu – một trong những sản phẩm OCOP địa phương. |
Hoặc, Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động, như: Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La”; Hội thảo nâng cao chất lượng cà phê Sơn La; Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm cà phê; trưng bày ảnh đẹp về Cà phê Sơn La. Cùng với đó, sẽ diễn ra các hoạt động: Hội thi nhà nông đua tài; đêm Gala cà phê; tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê... Lễ hội nhằm quảng bá cà phê Sơn La – một trong những sản phẩm OCOP 4 sao có thế mạnh của tỉnh, phát triển cà phê chất lượng cao góp phần nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; Tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hoá cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung. |
Hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm ocop |
Bên cạnh việc phát triển sản phẩm OCOP, Sơn La còn quan tâm đến hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử, ngày 3/6, Văn phòng xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La phối hợp UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại hộ kinh doanh Hồ Sâm. Điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại gia đình ông Hồ Văn Sâm có địa chỉ tại Bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Với Quy mô trên 90m2, trưng bày, giới thiệu và kinh doanh trên 100 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao trên địa bàn tỉnh, trong có có trên 10 dòng sản phẩm liên quan đến mật ong. Tại buổi lễ đại diện 5 HTX và các hộ kinh doanh đã tổ chức ký kết hợp đồng ký gửi sản phẩm OCOP. Ông Hồ Văn Sâm cho biết, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình tôi, cũng như các hộ nuôi ong trên địa bàn. Điểm giới thiệu này sẽ giúp gia đình quảng bá cũng như tiêu thu sản phẩm mật ong được thuận tiên hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây là địa điểm trưng bày thứ 10 do văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La hỗ trợ xây dựng và là điểm thứ 12 trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó góp phần giúp người tiêu dùng có thể tìm kiếm và nắm bắt các địa chỉ sản xuất, kinh doanh sản phẩm uy tín, đồng thời lan tỏa hơn việc sử dụng các sản phẩm OCOP. Thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục mở rộng quy mô địa điểm trưng bày, quảng bá đa dạng thêm các sản phẩm OCOP khác trên các nền tảng số. Các sở, ban ngành của tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm các địa điểm giới thiệu khác, nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm OCOP. |
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Mục tiêu của tỉnh Sơn La phấn đấu có trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Sơn La thành thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và hướng tới mở rộng xuất khẩu ra thị trường thế giới. Sơn La được đánh giá có rất nhiều lợi thế khi triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Toàn tỉnh hiện có gần 200 loại sản phẩm lợi thế có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần. Đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của Sơn La khá phong phú về chủng loại bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, dịch vụ nông thôn… Đây là lợi thế lớn để các địa phương tiếp tục xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tạo sản phẩm chủ lực phát triển kinh tế. |
Phương Lan Đồ họa: Linh Chi
|