Nhiều năm nay, đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận đã khắc phục sự khắc nghiệt của thời tiết “gió như phang, nắng như rang” bằng cây măng tây mang lại giá trị kinh tế cao. |
Cây măng tây vươn mình trên cát |
Khi cơn gió mùa Tây Nam mang mưa vào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vào Ninh Thuận chúng đã bị những ngọn núi cản trở. Thay vì mang mưa, chúng trở nên tù túng và khô hanh. Vùng Ninh Thuận sa mạc bắt nguồn từ đó. Nhận diện, biến bất lợi thành lợi thế để phát triển sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là giải pháp được tỉnh Ninh Thuận thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực. Minh chứng rõ nét nhất đó là việc biến nhiều khu vực khô cằn, thiếu nước tưới trở thành vùng đất tiềm năng, chuyên sản xuất cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tiêu biểu như cây măng tây xanh - loại thực phẩm đang mở ra triển vọng mới góp phần tái cơ cấu nông nghiệp địa phương. Thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm, đồng thời cũng là nơi cư trú tập trung của 90% người Chăm của xã. Cũng giống như tỉnh Ninh Thuận, Thôn Tuấn Tú có hai “đặc sản” là nắng và gió, 65% diện tích là đất pha cát bạc màu. Trước đây, bà con trong thôn chỉ biết trồng lạc, cà rốt… Năm nào sản phẩm được giá thì đời sống no ấm. Năm nào vì lý do này, lý do kia, sản phẩm không được giá thì đời sống bà con lại bấp bênh. Với mong muốn giúp người dân chuyển đổi cây trồng để có thu nhập ổn định, năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận thử nghiệm đưa cây măng tây vào đồng đất của thôn. |
Cùng với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, Ninh Thuận được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thích hợp để trồng măng tây so với cả nước. Do đó, từ 2ha trồng thí điểm ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có hàng trăm ha. Loại cây này được trồng nhiều nhất ở các địa phương của huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Hiện, trên địa bàn tỉnh có nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị cho cây măng tây. Đáng chú ý, có nhiều mô hình măng tây được trồng theo hướng an toàn. Người trồng chủ yếu là xã viên đồng bào dân tộc Chăm của các HTX. Nhiều mô hình măng tây xanh đã tạo được sự liên kết bền chặt theo hướng đôi bên cùng có lợi giữa các xã viên với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Điển hình là sự liên kết giữa HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú với Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (ở xã An Hải, huyện Ninh Phước). Ông Hùng Ky - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, HTX có 64 xã viên tham gia trồng măng tây xanh với diện tích 42ha. Kinh phí để đầu tư cho 1ha măng khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư không phải là trở ngại bởi định hướng phát triển cây trồng này đã được tỉnh đưa ra rất bài bản và khoa học. |
Hiện nay, vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ măng tây khá ổn định. Cứ khoảng 1 sào cây măng tây xanh cho thu hoạch từ 5-7kg/ngày và đem ra thị trường với giá bán từ 50.000 - 65.000 đồng/kg tùy loại. Như vậy, trung bình mỗi ha măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng từ 300-500 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập cao và tương đối ổn định nên người trồng măng tây xanh ở địa phương rất phấn khởi. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã An Hải đã thay đổi đáng kể nhờ loại cây trồng này. Một HTX khác cũng đứng ra làm đầu mối thu mua măng tây cho bà con là HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (huyện Ninh Phước). Bà Châu Thị Xéo - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế (huyện Ninh Phước) chia sẻ, đầu năm 2016, bà bắt đầu tìm hiểu về các giống cây trồng mới trong đó có cây măng tây ở khắp các địa phương để học tập kinh nghiệm. Nhận thấy cây măng tây phù hợp với quê mình, bà tiên phong cải tạo vùng đất bán sa mạc của gia đình để đầu tư trồng thử nghiệm 1 sào (1.000 m2). Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm và tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây măng tây phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, bà Xéo mở rộng lên 5 sào trồng măng tây, mỗi tháng cho thu nhập hơn 40 triệu đồng. Bà Châu Thị Xéo chia sẻ, trồng cây măng tây đầu tư vốn ít nhưng cho thu nhập rất cao. Trong khi bà con ở đây có đất nhiều mà lại bỏ đi thành phố để làm thuê nên tôi muốn trồng cây này để tạo thu nhập cho bà con và kéo bà con trở về. Nghĩ vậy, bà bắt đầu vận động bà con tham gia, cùng nhau làm giàu. Đến nay, ngày càng nhiều gia đình người Chăm chuyển đổi hoàn toàn diện tích các cây trồng khác sang trồng măng tây. Trong đó có hàng chục hộ nộp đơn xin gia nhập HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế, nâng tổng số xã viên HTX lên trên 70 thành viên với 100% thành viên là người Chăm. Với sự năng động và ý chí quyết tâm, năm 2018, bà Châu Thị Xéo được bầu làm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế. HTX liên kết với doanh nghiệp ở địa phương trồng măng tây. Để giúp thành viên phát triển kinh tế, HTX hỗ trợ tiền giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm tra, giám sát và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra. HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế cũng đã liên kết với Dự án" Nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp" tổ chức phát triển Hà Lan SNV. Dự án này hiện có nhiều đối tác tham gia nên đầu ra của sản phẩm măng tây xanh của HTX Châu Rế ngày càng rộng mở... Sản phẩm măng tây xanh của HTX cũng đã có mặt ở hầu hết các chuỗi cửa hàng thực phẩm và siêu thị trong cũng như ngoài tỉnh Ninh Thuận, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… |
Đa dạng sản phẩm từ cây măng tây |
Măng tây được mệnh danh là “hoàng đế” dinh dưỡng trong các loại rau. Trên thị trường, măng tây rất được ưa chuộng. Giá trị kinh tế mà măng tây mang lại cộng với khả năng tiêu thụ thuận lợi trên thị trường đã thôi thúc người Chăm thôn Tuấn Tú liên kết nhau thành lập hợp tác xã kiểu mới. Với sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện, xã, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, những xã viên người dân tộc Chăm đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ trong việc bao tiêu và đa dạng hoá sản phẩm. Ông Kiều Minh Tiến – người dân thôn Tuấn Tú – người đã mạnh dạn đi đầu trong trồng cây măng tây từ những ngày đầu phát động chia sẻ, với người Chăm thôn Tuấn Tú, cây măng tây đúng là “trời cho”. Bà con tận dụng mọi diện tích để trồng. Từ trồng trong vườn, sát vào tận cửa nhà đến trồng thành cánh đồng mẫu lớn để tăng sản lượng, tăng thu nhập. Năm xưa, ông Tiến là người đi tiên phong trồng cây măng tây. Nay, ông tiếp tục là người đầu tiên chế biến trà măng tây. Trà được làm từ gốc măng tây, trở thành thức uống thơm ngọt dịu nhẹ, chứa dồi dào các hợp chất chống oxy hóa, hỗ trợ ngăn cản sự tiến triển của một số bệnh ung thư, giúp giảm cân… Trà măng tây cũng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp huyện. |
Kinh doanh trong thời đại công nghệ số phát triển nên ông Tiến cũng rất thức thời. Trên bao bì sản phẩm, ông để mã vạch QR giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc, tìm hiểu thông tin sản phẩm và thanh toán thuận lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó, cây măng tây cũng được chế biến thành bột măng tây cho thu nhập cao tại Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn). Những năm gần đây, công ty chuyển sang trồng thêm măng tây xanh hữu cơ trên diện tích 30ha, lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung. Đây là cây trồng mới, công ty cũng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư các trang thiết bị công nghệ trong hệ thống tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt. Ngoài ra, công ty còn đầu tư sâu trong công nghệ chế biến sản phẩm sau thu hoạch như hệ thống nghiền bột, hệ thống sấy lạnh, đảm bảo hương vị, màu sắc măng tây xanh phục vụ làm bột dinh dưỡng để đưa ra thị trường. |
Hỗ trợ cho người trồng măng tây |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch vùng đất cát ở một số địa phương của huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để trồng măng tây xanh. Hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị cho loại cây trồng này. |
Nhằm thu hút đầu tư, nhiều cơ chế, chính sách đã được tỉnh Ninh Thuận ban hành, áp dụng như hỗ trợ hợp tác xã mua cây giống, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước để triển khai mô hình cánh đồng lớn, thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm măng tây chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu. Tỉnh còn tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận, hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư, phát triển sản xuất. Đồng thời, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ, sinh học. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có hơn 200 ha măng tây xanh, được trồng nhiều nhất ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Cây măng tây xanh được xem là cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, phát triển theo chuỗi giá trị đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao, mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân đồng bào Chăm làm giàu trên chính sự khắc nghiệt của quê hương. Từ vùng nắng vàng, cát trắng, những búp măng tây xanh hiên ngang vươn lên, là minh chứng rõ nét cho bàn tay, khối óc và ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân vùng nắng gió. |
Bảo Ngọc Đồ họa: Linh Chi Ảnh: Thái Sơn Ngọc
|