Để phát triển thị trường công trình xanh theo các chuyên gia cần có những giải pháp đồng bộ để tạo động lực cho các nhà đầu tư và thị trường. -------- |
Thực tế, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng vì Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan với các yêu cầu về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Việc triển khai thực hiện QCVN 09:2017/BXD được áp dụng phổ biến là một điểm mốc rất quan trọng, khi Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh. TS. Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), nhiều chính sách, quy định đã được ban hành và đưa vào thực hiện. Theo quy định của Nghị định 06/2022/NĐCP, đối với các tòa nhà có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên thì phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Các cơ sở phát thải nhiều khí nhà kính cũng phải xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, so với nhiều nước phát triển trên thế giới và khu vực, trình độ công nghệ, nhân lực, quản lý, thiết bị, kỹ thuật xây dựng, điều kiện tiện nghi các công trình ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. “Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí Net-Zero. Điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam để đạt mục tiêu cam kết vào năm 2050”- ông Thịnh khẳng định |
Cùng với đó, quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định 21/2011/NĐ-CP và các văn bản liên quan có đối tượng áp dụng còn hẹp, nhiều quy định mang tính khuyến khích tự nguyện áp dụng, còn thiếu các quy định có tính bắt buộc và chế tài đủ mạnh để yêu cầu thực hiện các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Nguyễn Công Thịnh cũng khẳng định, hiện chưa có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể ở cấp Chính phủ, Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp để triển khai toàn diện nội dung, nhiệm vụ về tiết kiệm năng lượng. Trong khi mục tiêu đặt ra cao nhưng nguồn lực con người, tài chính cho chương trình tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, cả ở cấp trung ương và địa phương. Đó là chưa kể đến, nhận thức và năng lực thực thi các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về tiết kiệm năng lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) - cho biết: Quy chuẩn Quốc gia là bước quan trọng thúc đẩy mục tiêu năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế, thi công các công trình xây dựng. Việc thực hiện đúng Quy chuẩn sẽ góp phần giảm khoảng 20% tổng năng lượng tiêu thụ so với hiện nay. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều rào cản khiến vấn đề thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng tuân theo QCVN 09:2017/BXD chưa được quan tâm đúng mức. |
Đó còn chưa kể đến rào cản về thói quen cộng đồng, các vật liệu truyền thống được sử dụng từ lâu trong tất cả các loại công trình, người sử dụng hầu hết đã nắm được các ưu, nhược điểm, sử dụng phù hợp theo yêu cầu của các công trình xây dựng; Công tác thi công dễ, thuận lợi, không đòi hỏi thợ có tay nghề cao. Người sử dụng có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm mà không cần phải có cơ quan chức năng thử nghiệm. Vì vậy họ có thể tự lựa chọn được sản phẩm phù hợp với yêu cầu công trình. Ngoài ra rào cản về chất lượng và giá thành sản phẩm, do chất lượng sản phẩm vật liệu mới thường không ổn định, không đồng đều giữa các cơ sở sản xuất; Sản phẩm vật liệu mới đang sử dụng hiện nay chưa khắc phục được những vấn đề tồn tại khi sử dụng trong công trình; chưa có các sản phẩm phụ trợ phù hợp với từng loại sản phẩm, gây khó khăn trong quá trình sử dụng; Giá thành sản phẩm vật liệu mới thường cao hơn so với vật liệu truyền thống. |
Trước đó, đầu năm 2022, chia sẻ tại Hội thảo “Xu hướng phát triển Công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam”, TS. KTS Tạ Quốc Thắng – Vụ Quy hoạch – Kiến Trúc (Bộ Xây dựng) đã từng khẳng định: Việt Nam cần một sự thực hiện đồng bộ giữa các nhóm giải pháp để tạo động lực và hình thành một thị trường công trình xanh. Theo đó, phải xác định các mục tiêu phát triển công trình xanh toàn diện trên phạm vi toàn quốc nhằm mục tiêu theo kịp trình độ của các nước phát triển công trình xanh trung bình trên thế giới vào năm 2030. Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển công trình xanh, đặc biệt quan tâm đến các cơ chế nhằm tháo gỡ tất cả các rào cản đối với phát triển công trình xanh, ưu đãi về vật chất và phi vật chất đối với các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào xây dựng công trình xanh. Xác định mục tiêu và lộ trình cụ thể cho các địa phương xây dựng công trình xanh tiến tới xây dựng các đô thị xanh, hình thành lối sống xanh. |
Cũng theo ông Tạ Quốc Thắng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển công trình cũng cần có các chính sách ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng… đồng thời xây dựng, tạo lập và phát triển thị trường công trình xanh. |
Trong khi TS. Nguyễn Công Thịnh cho rằng, để thực hiện các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực xây dựng, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng có tính năng tiết kiệm năng lượng nói riêng, cần tháo gỡ bởi các giải pháp: hỗ trợ ưu đãi về tài chính cho các dự án sản xuất sản phẩm, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; có các quy định bắt buộc hoặc khuyến khích để đánh giá, chứng nhận, dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm vật liệu xây dựng; nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành, người sử dụng công trình… Đồng thời, ông Thịnh cũng cho rằng, cần phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản hướng dẫn Luật nhằm quy định và có chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, trong đó cần có các quy định về công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không. Ngoài ra, cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung, xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, suất đầu tư liên quan đến công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không; sớm ban hành và đưa vào thực hiện quy định về tiêu chí dự án xanh trong đó có loại hình công trình xây dựng để xác định rõ tiêu chí, huy động sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho vay, hỗ trợ các dự án xanh… |
Ông Mã Khai Hiền góp ý, để hình thành thị trường công trình xanh yếu tố hết sức quan trọng đó là phát triển sản xuất vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng. Sử dụng vật liệu không phát sinh chất ô nhiễm độc hại đối với sức khỏe của con người. “Phát triển sử dụng vật liệu nhẹ, vừa có khả năng cách nhiệt tốt, giảm tải trọng tự thân công trình, do đó giảm chi phí cho kết cấu chịu lực và nền móng công trình. Tái sử dụng và tái chế chất thải (đặc biệt là chất thải xây dựng)…cũng như cần đạo tạo, phát triển một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao từ thiết kế cho đến triển khai, xây dựng các công trình xanh”- ông Hiền nhấn mạnh. Đặc biệt, cần có sự cân bằng lợi ích của các bên để hướng tới xây dựng một văn hóa sống xanh bền vững. Có như vậy mới trả được giá trị nhân văn về đúng sứ mệnh của công trình xanh. *Theo dõi bài Giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng: Hiệu quả từ những Tòa nhà Xanh - Bài 1: Tòa nhà xanh: Yếu tố cần thiết cho tăng trưởng xanh *Theo dõi tiếp bài Giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng: Hiệu quả từ những Tòa nhà Xanh - Bài 2: Đồng bộ giải pháp để phát triển thị trường công trình xanh *Theo dõi tiếp bài Giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng: Hiệu quả từ những Tòa nhà Xanh - Bài cuối: Đồng bộ giải pháp để phát triển thị trường công trình xanh |
Thực hiện: Nhóm phóng viên |