Làm sao để phát triển doanh nghiệp dân tộc, có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu và có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu? ----- |
Đề án xây dựng cơ chế phát triển doanh nghiệp dân tộc |
Một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành vào ngày 10/10/2023 là: “Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là những định hướng mới, có tính chiến lược, đột phá thể hiện chủ trương, thông điệp của Đảng và Nhà nước về việc củng cố, phát triển, hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có bản sắc, thương hiệu nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Còn theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Tấn Công, việc Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW vào đúng thời điểm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam là một việc mang tính biểu tượng về sự tin tưởng và quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. |
“Hơn thế nữa, nội dung Nghị quyết khẳng định quan điểm và mục tiêu của Đảng, Nhà nước về việc phát triển của doanh nhân và đặt ra yêu cầu đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải phát triển và phát triển mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước” – ông Phạm Tấn Công khẳng định và cho rằng: Nghị quyết 41 ra đời thời điểm này chính là một nhân tố quan trọng để nâng cao niềm tin của giới doanh nhân, doanh nghiệp về đường lối phát triển đất nước, đường lối phát triển kinh tế, từ đó rõ nét hơn đường lối phát triển của mỗi doanh nhân. Nhằm hiện thực hoá chủ trương của Nghị quyết 41-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. |
Đề án dự kiến nghiên cứu, lựa chọn các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để đi tắt, đón đầu, trở thành ngành công nghiệp tương lai của đất nước như: Điện gió ngoài khơi, amoniac, hydrogen xanh, sản xuất thép, sản xuất ô tô điện, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp bán dẫn, kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia. |
|
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có sự dịch chuyển từ lượng sang chất, nổi lên một số doanh nghiệp tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quàn trị doanh nghiệp hiện đại, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Trong đó, có thể kể đến một số doanh nghiệp đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị trên thị trường như: Viettel, VNPT, PVN, Vietcombank hay Tập đoàn Vingroup, VietjetAir, Thaco, Hòa Phát… “Do đó, đây là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. |
Doanh nghiệp dân tộc cần khát vọng dân tộc |
Được đánh giá là thời điểm chín muồi để xây dựng và phát triển doanh nghiệp dân tộc, tuy nhiên để phát triển được những doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt và vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị lại không đơn giản. Nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 thấp hơn năm 2023. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên dễ chịu tác động của kinh tế thế giới. Đặc biệt, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam hiện có 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé, 98% là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. “Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. Do đó, với “sức khoẻ” còn yếu thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn”. – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. |
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhằm xây dựng những doanh nghiệp dân tộc có quy mô lớn, có tác động dẫn dắt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần tập trung 5 nhóm giải pháp: Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và đảo bảo an sinh xã hội; Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…, hoàn thiện thể chế nhằm khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững… Còn theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh hoàn thiện những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp dân tộc, muốn tận dụng được cơ hội vươn ra toàn cầu, đồng nghĩa với "chơi" được với thế giới, đầu tiên phải hiểu thế giới. |
Muốn hiểu được, bản thân mỗi doanh nhân phải có khát vọng vươn lên, từ đó tự khai mở kiến thức, tri thức, quan hệ, không thể thu mình trong một thế giới hội nhập. Nói cách khác, từng doanh nhân phải có tư duy hội nhập quốc tế, tư duy của "cuộc chơi" toàn cầu và hiểu được văn hóa kinh doanh quốc tế. Từ đó mới lãnh đạo, hoàn thiện, điều chỉnh văn hóa kinh doanh, nhận thức đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp mình sao cho hòa đồng với văn hóa kinh doanh quốc tế, mà trước tiên là văn hóa kinh doanh của quốc gia đối tác của doanh nghiệp mình. “Nếu không trau dồi, không chịu khó khai mở tri thức, không hiểu văn hóa kinh doanh của đối tác và thế giới, khó tận dụng được cơ hội” – ông Phạm Tấn Công khẳng định và cho rằng, muốn vươn tầm thế giới, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải có năng lực về quản trị kinh doanh, công nghệ, quan trọng phải chuẩn bị đội ngũ nhân lực thật tốt, vì đối tác có quản trị, vốn và cần con người để chuyển hóa vào chu trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm và lợi nhuận. Đặc biệt, để trở thành những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dân tộc, theo các chuyên gia kinh tế, bản thân mỗi doanh nghiệp phải ý thức được vai trò, vị trí và sứ mệnh của mình. Không chỉ hoạt động kinh doanh hiệu quả, mà còn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Đặc biệt, để phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc rất cần đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hoá. Bởi đạo đức kinh doanh chính là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp phát triển bền vững, vươn tấm quốc tế, đưa Việt Nam đạt được khát vọng 2045, trở thành nước tiên tiến có thu nhập cao theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. * Bài 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của doanh nghiệp * Bài 2: Doanh nghiệp “chung vai” chia sẻ khó khăn cùng đất nước * Bài 3: Để doanh nghiệp dân tộc có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng ------ |
Thực hiện: Nguyễn Hòa - Nhật Khôi |