Longform
24/05/2023 06:00
Longform | Bài 2: Xuất nhập khẩu hàng hóa - "Lớn" nhưng chưa "mạnh"

24/05/2023 06:00

Xuất nhập khẩu được nhắc đến như một điểm sáng của nền kinh tế với cơ cấu chuyển dịch tích cực. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn được đánh giá là chưa bền vững.
xuất nhập khẩu

Xuất nhập khẩu hàng hoá được nhắc đến như một điểm sáng của nền kinh tế với cơ cấu chuyển dịch tích cực. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu vẫn được đánh giá là chưa bền vững.

-----

XUẤT KHẨU CÒN PHỤ THUỘC VÀO KHỐI FDI

Xuất nhập khẩu luôn là lĩnh vực được Bộ Công Thương quan tâm và các chỉ tiêt tiêu xuất nhập khẩu luôn được Đảng uỷ, lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra trong những Nghị quyết, nhiệm vụ công tác hàng năm. Ngay trong năm 2023, mục tiêu của hoạt động xuất nhập khẩu là phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu.

Vào cuối năm 2022, đây được đánh giá là mục tiêu không cao, vì thực tế nhiều năm qua cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, những biến động của thị trường thế giới và những tồn tại của hoạt động xuất nhập khẩu trong nước cho thấy, đây là mục tiêu có thể hiểu được.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương chỉ rõ, thời gian qua, cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu của chúng ta có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Trước đây, chúng ta xuất khẩu chủ yếu là nông lâm thuỷ sản, nguyên liệu thô. Hiện nay, chúng ta xuất khẩu chủ yếu là 86% công nghiệp chế biến chế tạo, chỉ có khoảng 14% là khoáng sản và nông lâm thuỷ sản. Chúng ta cũng đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới với nhiều sản phẩm như gạo, cà phê, dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ… đứng thứ 4, 5 thế giới.

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

Về nhập khẩu, hiện chúng ta cũng kiểm soát tương đối tốt. Cơ cấu nhập khẩu hiện hơn 90% là nhiên vật liệu sản xuất, và chỉ có 10% là hàng tiêu dùng. Vì được kiểm soát tốt, xuất khẩu được đẩy mạnh, nên từ năm 2012 đến nay nước ta đã xuất siêu.

“Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, mặt chưa được là xuất khẩu của chúng ta chưa bền vững. Tất cả những con số, chỉ tiêu tôi vừa nêu là số lượng, còn tăng trưởng về chất còn yếu. Kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp nếu so với các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia giá trị gia tăng của chúng ta thấp hơn nhiều… Bên cạnh đó, cơ cấu chuyển dịch chuyển biến mạnh mẽ song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến chế tạo với hàm lượng gia công lắp ráp cao, nguyên liệu thô nhiều, giá trị gia tăng thấp” - Chuyên gia Lê Quốc Phương thẳng thắn phân tích.

Chưa kể, thành quả xuất nhập khẩu của nước ta thời gian qua vẫn phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI với các Tập đoàn lớn như Samsung, LG… Khối doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhập siêu rất lớn.

Năm 2022, xuất khẩu toàn nền kinh tế đạt 371,5 tỷ USD, trong đó, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 275,9 tỷ USD (tương ứng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu), còn kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chỉ tăng 6,8%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 79,1 tỷ USD, giảm 12,4% (tương ứng 11,19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,12 tỷ USD, giảm 8,6%.

Cán cân thương mại của Việt Nam trong trong 4 tháng đầu năm 2023 là 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỷ USD.

Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: “Vai trò của khu vực FDI rất lớn đối với tăng trưởng của nền kinh tế, thể hiện rõ qua đóng góp doanh thu xuất khẩu, tạo việc làm, hình thành chuỗi cung ứng trong các ngành xuất khẩu chủ chốt, từ điện tử, tới dệt may, giày dép…”.

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

Thực tế cũng cho thấy, xuất siêu của Việt Nam liên tục được cải thiện trong gần 10 năm qua là nhờ sự đóng góp đáng kể của khu vực doanh nghiệp FDI. Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam (chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo) đã làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đạt 319,2 tỷ USD, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng từng nghiêm túc thừa nhận, mặc dù đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

“Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

NHỮNG RỦI RO CỦA NỀN KINH TẾ MỞ

Song song với đó, nền kinh tế có độ mở cao dẫn đến Việt Nam dễ gặp rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá khi nền kinh tế thế giới biến động. Điều này có thể thấy rõ ở hai câu chuyện: Thứ nhất, trong 2 năm Covid-19, Trung Quốc tiến hành Zero Covid, hàng loạt các cửa khẩu của Việt Nam đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn do không bán được hàng sang phía bạn. Việc nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu thô cũng khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn một thời gian dài do đứt gãy nguồn nguyên liệu.

Thứ hai, đến đầu năm 2023, khi nền kinh tế thế giới gặp khó khăn do lạm phát tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng rơi vào khó khăn tương tự. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chỉ rõ, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhiều thị trường cắt giảm tiêu dùng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu.

Ngoài sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hóa đi xuống cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 4 tháng đầu năm.

Những mặt hàng có mức giảm giá sâu từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước: giá xuất khẩu hạt tiêu giảm 34,3%, giá cao su giảm 21,2%, giá dầu thô giảm 15,9%, giá quặng và khoáng sản khác giảm 18,9%, giá sắt thép xuất khẩu giảm 25,2%...

"Tính đến nửa đầu tháng 5, doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực từ điện tử, giày dép, dệt may vẫn đối mặt với thiếu đơn hàng, trong khi với các ngành hàng này, chỉ 10% sản lượng tiêu thụ nội địa, 90% phụ thuộc xuất khẩu, khi tổng cầu sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

Về phía các doanh nghiệp chủ lực, các doanh nghiệp dệt may cũng trong tình trạng có đâu làm đó khi sức tiêu thụ của thị trường quá thấp. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh thông tin, thị trường hàng dệt may hiện rất ảm đạm khi nhu cầu tiêu dùng tại EU đang giảm sâu, thị trường Mỹ chưa có tín hiệu phục hồi. Trong khi đó, các thị trường khác ở khu vực châu Á cũng giảm dần khi lạm phát, suy thoái lan rộng. Trong quý I, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp giảm trung bình khoảng 20% so với năm 2022. Sang quý II, tình hình đơn hàng vẫn chưa được cải thiện.

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

Trước đây, doanh nghiệp cho ra mắt các bộ sưu tập thời trang theo kế hoạch và sản xuất đơn hàng theo mùa và thì nay phải tìm đơn hàng cho từng tháng, có đơn tới đâu làm tới đó, chịu áp lực về nguyên vật liệu trong ngắn hạn. Thậm chí, do không có đơn đặt hàng, doanh nghiệp sản xuất ra phải mang hàng đi ký gửi, khi nào nhà phân phối bán được hàng mới thanh toán nên dòng vốn xoay vòng rất chậm.

Đặc biệt, dù cả nước đang xuất siêu, song nói về con số xuất siêu 7,55 tỷ USD, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải vẫn cho rằng, xuất siêu tăng cao một mặt góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trong tình hình hiện nay, cần đánh giá kỹ lại con số xuất siêu này, nếu xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm do thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã tích cực.

"Trong một số trường hợp, nhập siêu chưa chắc đã không tốt. Cần phối kết hợp để đánh giá lại kỹ hơn, từ đó có các giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.

4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường EU đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%.

“HÀNG RÀO” TỪ FTA

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng là cứu cánh cho hàng Việt Nam, tuy nhiên, ông Lê Quốc Phương nói, ở chiều ngược lại, các FTA này cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp như nó tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp của chúng ta cả trên sân nhà và trên thế giới, trong khi tiềm lực và năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Đó là thách thức lớn đầu tiên.

Thứ hai, các FTA đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về hàng rào kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Chúng ta được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan xuống rất thấp nhưng cũng phải mở cửa thị trường trong nước và các doanh nghiệp trong nước cũng phải chấp nhận các tiêu chuẩn khá của các FTA. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của các thị trường đó thì mới có thể tham gia các sân chơi này.

Cụ thể như thị trường nông sản thì phải đáp ứng về an toàn thực phẩm. Hay các quy tắc xuất xứ trong lĩnh vực dệt may. Thêm một yêu cầu nữa các FTA đặt ra khó khăn cho các doanh nghiệp là tiêu chuẩn lao động, như không có lao động trẻ em, không có lao động cưỡng bức, trong khi đâu đó chúng ta vẫn có lao động trẻ em. Rồi các sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường như sản phẩm dệt may phải tái chế, tái sử dụng được. Ngoài ra còn về vấn đề sở hữu trí tuệ… Tất cả những điều này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, đầu tư tăng lên nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp vươn lên, trưởng thành, nâng cao được năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng với điều kiện, doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển, biến thách thức thành cơ hội, nếu không ngược lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, các FTA thế hệ mới như CPTTP và EVFTA đều có những yêu cầu là vải phải sản xuất ở trong các khu vực FTA. Đối với dệt may, chúng ta chưa tận dụng được các FTA một cách tốt nhất vì vẫn chưa tuân thủ được các quy tắc xuất xứ, trong khi các nguyên liệu vẫn chưa tự chủ được.

Con số thống kê, với Hiệp định EVFTA, ngành dệt may tận dụng siêu ưu đãi mới chỉ đạt được 15% trên tổng kim ngạch xuất khẩu EU thôi. Còn với CPTPP, vì quy tắc từ sợi trở đi, gần như doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được.

Trong khi các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với việc làm sao tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ FTA thì các thị trường lại đang dựng lên hàng rào với hàng hoá nhập khẩu nói chung và hàng Việt nói riêng. Đơn cử, EU – một trong những thị trường lớn nhất của nước ta đang triển khai Thoả thuận Xanh với nhiều chính sách mới.

Bà Nguyễn Hoàng Thuý, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu cho biết, Thỏa thuận xanh châu Âu là một chính sách mới, dự kiến sẽ tác động đến hoạt động giao thương với thị trường EU nói chung, khu vực Bắc Âu nói riêng.

“Thỏa thuận xanh châu Âu là một kế hoạch toàn diện để đạt được sự trung lập về khí hậu. Đó cũng là một chiến lược để phát triển. Đối với các doanh nghiệp, sẽ có những yêu cầu mới về tính bền vững đòi hỏi sự điều chỉnh trong hoạt động sản xuất. Chiến lược này cũng sẽ cung cấp những khả năng mới cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài EU. Dự kiến, các sửa đổi đang diễn ra và một khung pháp lý mới sẽ được đề xuất ngay trong năm 2023…” – bà Nguyễn Hoàng Thuý nhấn mạnh.

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

Về phía hàng hoá Việt Nam, một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép. EU là thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam. Thỏa thuận Xanh EU, cụ thể là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn, sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.

Trong ngành bao bì, bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như các doanh nghiệp sử dụng bao bì cho các sản phẩm xuất khẩu.

Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU là nông sản và thủy sản. Thỏa thuận Xanh đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, điều này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và giảm sử dụng hóa chất độc hại.

Ngành sắt thép cũng có khả năng bị ảnh hưởng do Thỏa thuận Xanh đặt ra mục tiêu giảm sử dụng các vật liệu sử dụng nhiều năng lượng và chuyển sang sử dụng các vật liệu bền vững hơn.

Tóm lại, Thỏa thuận xanh của EU đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng tạo ra các cơ hội phát triển mới. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà Thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đón đầu các xu hướng mới để tạo ra các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn để được hưởng lợi trong dài hạn.

(Còn nữa)

Longform | Bài 2: Lớn nhưng chưa mạnh

*Bài dự thi Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thực hiện: Phương Lan - Thu Trang

Vượt 230 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn giảm 40 tỷ USD so với cùng kỳ Longform | Bài 1: Tự hào hàng Việt ở nước ngoài

Phương Lan - Thu Trang

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024

Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1080/QĐ-BCT ngày 8/5/2024 về Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương năm 2024.
Sản xuất phục hồi, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh

Sản xuất phục hồi, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh

Sản xuất phục hồi là lực kéo quan trọng giúp kim ngạch nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu hàng hóa từ nhiều thị trường chủ lực tăng mạnh.
Đảng bộ Bộ Công Thương tổ chức quán triệt Nghị quyết số 41-NQ/TW về doanh nhân thời kỳ mới

Đảng bộ Bộ Công Thương tổ chức quán triệt Nghị quyết số 41-NQ/TW về doanh nhân thời kỳ mới

Ngày 10/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Đảng bộ Bộ Công Thương đã tổ chức quán triệt Nghị quyết số 41-NQ/TW về doanh nhân.