Đưa hàng Việt ra nước ngoài là một trong những thành quả lớn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế - một trong những định hướng quan trọng của Đảng đã được đề ra từ nhiều năm nay. ----- |
TỪ NHỮNG QUYẾT SÁCH ĐÚNG ĐẮN |
Hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế đã được Đảng ta định hướng bằng những quyết sách từ rất sớm. Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện và sâu sắc mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi sâu sắc và một cục diện, trật tự thế giới mới đang hình thành, trong đó các nước có chế độ chính trị khác nhau vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau. Đảng đã nhận thức rõ rằng bối cảnh đó là điều kiện để chúng ta phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở. Khái niệm “hội nhập” được đề cập lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội VIII của Đảng (năm 1996): “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả”. Đến Đại hội IX (năm 2001), chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được nhấn mạnh: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”. Quan điểm về hội nhập kinh tế quốc tế được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 27/11/2001, của Bộ Chính trị khóa IX “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. Đại hội X của Đảng (năm 2006) tái khẳng định chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và nêu định hướng “đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”. Với định hướng này, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội được đẩy mạnh, nhất là trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và do ASEAN làm chủ đạo. Đến Đại hội XI, sau 10 năm hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta đã có bước phát triển tư duy quan trọng với việc chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, tức là mở rộng phạm vi, lĩnh vực và tính chất của hội nhập. Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về hội nhập quốc tế”. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, thống nhất nhận thức về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và phương hướng nhiệm vụ hội nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn tới. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5/11/2016, “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đại hội XIII của Đảng (tháng 1/2021) tiếp tục xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. |
Từ những mốc đó, những năm qua, hàng loạt các chủ trương của Đảng được triển khai đã coi “hội nhập quốc tế là định hướng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Giai đoạn những năm gần đây gắn liền với việc Chính phủ đã triển khai nghiêm túc Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về “Hội nhập quốc tế”, trong đó xác định hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5/11/2016… Về phía Bộ Công Thương, những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động được Bộ quan tâm hàng đầu. Mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu luôn được đề ra rõ ràng trong nhiệm vụ công tác năm của Đảng uỷ Bộ Công Thương. Bộ Công Thương cũng luôn xác định nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu; thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội. Nhờ tổng hoà các giải pháp, nước ta đã đạt những kết quả quan trọng nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo... Đặc biệt là hội nhập quốc tế, trong đó nổi bật là hội nhập quốc tế về kinh tế. Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 732,5 tỷ USD tương đương khoảng 200% GDP, thu hút gần 450 tỷ USD vốn FDI đăng ký… Những kết quả này đã khẳng định chủ trương, chiến lược đúng đắn của Đảng và vai trò quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. |
ĐIỂM SÁNG XUẤT NHẬP KHẨU Tham gia vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam từ một nước nhập khẩu đã trở thành quốc gia xuất khẩu và những năm gần đây, xuất khẩu luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế trong nước. Xuất khẩu, cùng với tiêu dùng nội địa và đầu tư đã được coi là “cỗ tam mã” kéo tăng trưởng đất nước đi lên. Trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 20 năm (giai đoạn 2002 - 2021) của Việt Nam đã đạt con số 5.146 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 10 năm từ năm 2012 đến năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nước ta đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần xuất nhập khẩu của 10 năm về trước cộng lại. |
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, việc nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hỗ trợ tối đa cho các hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại... là những hoạt động rất quan trọng để thúc đẩy kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu. Cùng đó, sự tăng trưởng đồng đều ở cả cái khối hàng công nghiệp cũng như khối hàng nông sản cũng thể hiện rất rõ các nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp để tạo ra nguồn hàng và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác nhau. Lý giải cho thành tích xuất nhập khẩu thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Việt Nam đã có một hệ thống doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt, trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, chúng ta đã mở cửa đúng lúc, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường mới. “Chúng ta đã tranh thủ được thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa và tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu” – Bộ trưởng chỉ rõ. |
Thêm vào đó, các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; Thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới. Trong kết quả chung đó, ngành Công Thương đã triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, duy trì tốt các chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận định từ các chuyên gia thương mại, nếu năm 2006, nền kinh tế Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa thì đến năm 2021, WTO ghi nhận thứ hạng của Việt Nam tăng ấn tượng về xuất khẩu hàng hóa là thứ 23 và nhập khẩu là thứ 20 trên thế giới. Hiện Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đáng lưu ý, từ năm 2011 trở về trước, Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục với con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, thâm hụt lớn nhất được ghi nhận lên đến 18,02 tỷ USD trong năm 2008. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã đổi chiều, chuyển sang thặng dư liên tục, (trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD). Năm 2022, dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, xuất siêu cả năm 2022 vẫn đạt con số kỷ lục là 12,4 tỷ USD. |
Đáng lưu ý, Việt Nam có quan hệ thương mại rộng khắp với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tập trung vào các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN... Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Các thị trường lớn như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, được hỗ trợ tích cực bởi hiệp định thương mại tự do (FTA), nhờ đó đã tạo thuận lợi thương mại, ưu đãi thuế quan. Đánh giá về thành tích xuất nhập khẩu của nước ta thời gian qua, Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết: “Có thể thấy, xuất khẩu hiện nay trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế nước ta, có những bước tiến. Trước khi cải cách và đổi mới, xuất khẩu của nước ta rất nhỏ, nhưng từ khi có đổi mới với rất nhiều chính sách của nhà nước về tự do hoá đối với thương mại và hội nhập quốc tế thì xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước nhảy vọt. Hiện nay, có thể đánh giá chúng ta là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới. Dù trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của chúng ta vẫn vượt 730,2 tỷ USD, xuất siêu liên tục. Đây là con số rất lớn và rất đáng ghi nhận”. "ĐIỂM SÁNG" TỪ NHỮNG NHÓM HÀNG THẾ MẠNH Thành quả xuất nhập khẩu nói chung thời gian qua có sự đóng góp của rất nhiều ngành hàng. Với ngành ô tô, năm 2022, Vinfast đã lần đầu tiên xuất khẩu 999 ôtô điện mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường Mỹ, là dấu ấn quan trọng của xuất nhập khẩu Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Đây là sự kiện ý nghĩa, đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc ôtô điện sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt chính thức góp mặt vào thị trường ôtô điện toàn cầu". Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngành công nghiệp ôtô là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, năng lực khoa học công nghệ, đồng thời có tính biểu tượng cao về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mức độ phát triển của nền kinh tế. |
Tập đoàn VinGroup và Công ty VinFast quyết định bắt tay vào sản xuất ôtô từ con số không, gây bất ngờ lớn cho toàn bộ ngành công nghiệp ôtô trong và ngoài nước. Tiếp đó là quyết định chuyển đổi thành hãng xe thuần điện để đón đầu xu hướng sản xuất xe điện, góp phần chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu thế giới. Những mẫu ôtô điện đã giới thiệu thời gian qua được dư luận quốc tế và người tiêu dùng trong nước đánh giá cao với thiết kế và công nghệ của châu Âu. Dù đi sau nhưng VinFast đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ tự động hóa thông minh, tiếp cận khách hàng một cách khác biệt. Thành quả bước đầu này đã mở ra kỷ nguyên sản xuất xe ôtô điện tại Việt Nam đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ ngành công nghiệp công nghệ cao thế giới. “Những chiếc ôtô điện được xuất khẩu sang Mỹ sẽ mang theo khát vọng, niềm tự hào và hy vọng những chiếc xe này sẽ lăn bánh đến khắp nơi trên thế giới, được khách hàng quốc tế đón nhận, ưu tiên lựa chọn sản phẩm thương hiệu Việt” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. |
Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “999 chiếc xe VinFast xuất cảng hôm nay là sự kiện trọng đại không chỉ với Công ty VinFast, Tập đoàn Vingroup mà còn là dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, khẳng định Việt Nam đã làm chủ và sản xuất thành công những sản phẩm công nghệ cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”. Đặc biệt, Việt Nam đã ghi danh trên thị trường thế giới là quốc gia xuất khẩu Top đầu của rất nhiều mặt hàng. Đơn cử, Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu lương thực, đã trở thành một nước xuất khẩu gạo (từ năm 1989) và hiện nay là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu năm 2022 đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ. Năm 2023, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,5 -7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. 4 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh xuất khẩu hàng hoá gặp nhiều khó khăn, hàng loạt mặt hàng chủ lực sụt giảm kim ngạch, xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 4/2023 tăng 14,4% về lượng và tăng 12,8% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước; tăng 98% về lượng và tăng 108% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Gạo cũng là mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân đã đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng là gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, gạo cao cấp và tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, đồng thời giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp. Đây là một trong những yếu tố giúp ngoại tệ thu về từ xuất khẩu gạo ngày càng lớn. Điều này cũng cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu của cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, ngành gạo ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Chẳng hạn, xuất khẩu gạo sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng gần 50%, nhiều thị trường tăng mạnh như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao, với giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường Đông Nam Á như Indonesia, Singapore cũng duy trì tăng trưởng. Đặc biệt, ở các thị trường truyền thống và trọng điểm, chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước… Đây cũng là thị trường có mức giá bình quân của mặt hàng này cao nhất trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ông Huỳnh Văn Khỏe - Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh cho biết: “Trước đây, khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, nay họ mua gạo của chúng ta vì chất lượng. Bên cạnh đó, EVFTA giúp cho gạo Việt Nam không chỉ được hưởng ưu đãi thuế mà còn được khách hàng biết đến nhiều hơn. Hiện công ty chúng tôi không đủ gạo chất lượng để bán cho nhu cầu khách hàng”. Từ chỗ lượng bán ban đầu chỉ 1-2 container (khoảng 20 tấn/container) thì nay, lượng xuất khẩu gạo sang thị trường này đã lên đến vài ngàn tấn/năm. |
Dệt may cũng là một trong những niềm tự hào hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Năm 2021 dệt may Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 về xuất khẩu trên thị trường thế giới với 5,7% thị phần. Năm 2022 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 44,5 tỷ USD, tăng 10,5-11% so với năm 2021, vẫn duy trì vị trí thứ 3 sau Trung Quốc, Bangladesh. Lấy ví dụ thị trường Mỹ, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam lý giải nguyên do vì sao trong khó khăn dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng con số và duy trì được vị trí. Theo đó, đối tác Mỹ đánh giá ngành dệt may của Việt Nam có tính đa dạng về dòng hàng, làm được đơn hàng khó, thời gian giao hàng ổn định. “Có những nhà máy 600 công nhân có thể cùng lúc sản xuất 12 mã hàng khác nhau, về nguyên tắc quản trị là cực kỳ khó. Thông thường với một mặt bằng và nhân công như vậy chỉ làm 2-3 mã hàng. Đây là những điểm cộng giúp Việt Nam là lựa hàng đầu để đặt hàng”, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói. Với thị trường EU, Việt Nam được hưởng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Năm 2022, số hàng hoá đáp ứng được quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi khoảng 5-6%. Đây cũng là động lực kéo nhà mua hàng tới Việt Nam. (Còn tiếp) |
*Bài dự thi Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Thực hiện: Phương Lan - Thu Trang
|