Trước tình hình này, Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (HTX) đã chủ động triển khai một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã và các địa phương lân cận. Mô hình liên kết này bước đầu đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Thu hoạch cà phê |
Do đặc thù của cây cà phê là cả năm mới thu hoạch một lần nên nhiều hộ đồng bào gặp khó khăn về vốn để đầu tư cho vườn cây. Mỗi khi đến đợt bón phân, phun thuốc bà con phải tìm chỗ vay mượn, lúc được lúc không nên sản lượng cà phê không ổn định. Nhờ tham gia tổ liên kết sản xuất, được HTX hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp cây giống… bà con đã yên tâm sản xuất.
Nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định, HTX đã tạo mô hình liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thông qua các tổ. Theo đó, HTX đầu tư 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giao cho tổ trưởng, tổ phó quản lý, phân bổ cho các hộ căn cứ theo nhu cầu, chu kỳ sản xuất. Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đầu tư không lãi suất, HTX còn hỗ trợ máy móc, tư vấn kỹ thuật, tổ chức thu mua nông sản cho các hộ. Đến nay, mô hình này đã thu hút hơn 600 hộ đăng ký tham gia, địa bàn mở rộng từ xã Ia Mơ Nông đến các xã: Ia Ka, Ia Nhin và thị trấn Ia Ly. Sản phẩm thu hoạch được HTX bao tiêu nên không lo bị thương lái ép giá như trước. Nhờ đó, bà con yên tâm sản xuất, đến cuối vụ thu hoạch mới phải thanh toán một lần.
Năm 2019, huyện Chư Pah cũng đã phê duyệt dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2020. Dự án được giao cho HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ và Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông thực hiện với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng. Quy mô dự án là 121 héc-ta với sự tham gia của 121 hộ dân trên địa bàn xã Ia Mơ Nông và Ia Ka. Các hộ này được tập huấn kỹ thuật và được hỗ trợ một phần vật tư thiết yếu để chăm sóc cà phê. Sản phẩm cà phê sau thu hoạch sẽ được HTX bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn 3 - 5% so với thị trường. Ngoài ra, trong năm 2019, HTX còn triển khai xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê từ nguồn vốn tài trợ của Dự án VnSAT với diện tích 4,5 héc-ta. Từ thành công của mô hình tưới tiết kiệm nước, hiện đã có trên 200 thành viên đăng ký tham gia.
Không chỉ liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, để tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập xen kẽ trong năm cho người dân, HTX còn liên kết với bà con trồng mới 5.000 cây mãng cầu ta hạt lép, 50 héc-ta đậu phộng… Đồng thời, hỗ trợ bà con nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và cam kết bao tiêu sản phẩm.
Mặc dù đang ở giai đoạn đầu nhưng mô hình liên kết tiêu thụ cà phê đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy phong trào sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó sẽ hình thành chuỗi liên kết giữa nông hộ với HTX; từng bước hình thành vùng nguyên liệu bền vững; xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản xuất theo hướng cung cấp sản phẩm cà phê an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con.