Lãnh đạo Hà Nội chỉ ra nguyên nhân khiến hàng loạt dự án giao thông chậm tiến độ
Nhiều dự án thiếu tổng thể, không hiệu quả
Ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa 16, các đại biểu đã hỏi về một số dự án đã được quy hoạch, tiến độ triển khai một số dự án giao thông.
Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) nêu thực trạng một số dự án đầu tư công qua nhiều địa bàn được chia nhỏ dẫn đến thiếu tổng thể, không hiệu quả, khó khăn trong triển khai, gây bức xúc trong nhân dân. Đơn cử như Dự án cải tạo Quốc lộ 1 liên quan đến địa bàn các huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên.
Đại biểu Đoàn Việt Cường chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về giải pháp khắc phục hiện trạng đầu tư thiếu đồng bộ.
Các đại biểu tham dự kỳ họp |
Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho hay, trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã dành được khoảng 127.000 tỷ đầu tư cho hệ thống giao thông, chiếm khoảng 65% vốn đầu tư công của thành phố.
Ngoài hệ thống vốn ODA, Hà Nội đang đầu tư 39 dự án liên quan đến quốc lộ, cầu vượt, các tuyến đường vành đai hướng tâm, các hệ thống hạ tầng khung và 169 dự án đường trục chính trên địa bàn của các quận, huyện.
Để tránh việc triển khai một số dự án qua nhiều địa bàn được chia nhỏ dẫn đến thiếu tổng thể, không hiệu quả như đại biểu nêu, ông Lê Anh Quân cho biết, Sở đã đề xuất tiếp tục đầu tư đối với 31 tuyến hạ tầng khung trên địa bàn thành phố, khép kín các tuyến đường vành đai, khép kín các tuyến đường quốc lộ, các trục hướng tâm, các hệ thống cầu để làm sao các hệ thống giao thông đường bộ bảo đảm kết nối và thông suốt.
Với các dự án trải trên địa bàn nhiều quận, huyện, sẽ được triển khai trên tinh thần không phải theo ranh giới địa bàn của các quận, huyện mà với quy mô lớn, sẽ chia phân theo từng dự án, đoạn đường, phát huy tác dụng là phải khớp nối hạ tầng.
Tương tự đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Tổ đại biểu huyện Ứng Hòa) cũng cho biết, đây là lần thứ ba đặt câu hỏi về dự án Công viên văn hóa Thể thao vui chơi quận Đống Đa. Trước đó, tại phiên giải trình HĐND TP tháng 4/2022, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc đã cam kết sẽ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vào tháng 7/2022.
Dự án Công viên văn hóa Thể thao vui chơi quận Đống Đa cam kết sẽ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vào tháng 7/2022, tuy nhiên đến nay chưa hoàn thành tiến độ |
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương chất vấn: “Tiếp đó tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua khi được hỏi, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc tiếp tục cam kết sẽ phê duyệt điều chỉnh trong năm 2023. Nay đã là tháng cuối của năm 2023, đề nghị Giám đốc Sở cho biết tình hình, kết quả thực hiện cam kết trước cử tri Thủ đô” .
Giải đáp thắc mắc trên, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, việc triển khai dự án này đã kéo dài từ 2021 đến nay. Về trách nhiệm, Sở Quy hoạch Kiến trúc là đơn vị tham mưu, thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố đối với quy hoạch; quận Đống Đa là đơn vị xác lập, chủ đầu tư tổ chức lập hồ sơ.
"Chúng tôi phụ thuộc vào vấn đề trình của quận Đống Đa. Chúng tôi đã có bốn lần gửi văn bản đôn đốc, riêng năm 2023 đã có hai lần. Chúng tôi chia sẻ với quận khi mở rộng diện tích thì gặp bài toán về dân cư hiện có, diện tích cây xanh, diện tích dự án liền kề liên quan trong khu vực. Nhưng quận Đống Đa cũng cần tập trung vào thực hiện dự án này" - ông Kỳ Anh nói.
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Sở đã có bốn lần gửi văn bản đôn đốc với quận Đống Đa, riêng năm 2023 đã có hai lần về dự án Công viên văn hoá Thể thao vui chơi |
Theo ông Kỳ Anh, qua trao đổi với quận Đống Đa cho thấy có một số khó khăn trong triển khai vấn đề này. Quận đã đề xuất với Sở báo cáo thành phố sẽ trình quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 4/2024. Với thẩm quyền của mình, Sở cam kết khi quận gửi dự án sẽ rút ngắn thời gian thẩm định còn khoảng 15-20 ngày.
Làm rõ thêm nội dung này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận đã rà soát hiện trạng, nhưng do chưa có hướng dẫn bố trí nguồn kinh phí lập quy hoạch nên quận dùng nguồn kinh phí từ ngân sách để thực hiện. Tuy nhiên, chỉ khi có hướng dẫn thì quận mới có thể thực hiện được.
"Sau khi có hướng dẫn cụ thể thì đến tháng 4/2024 sẽ trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án Công viên Đống Đa" - ông Định cho hay.
Tiếp đến đại biểu Nguyễn Văn Luyến (huyện Đan Phượng) nêu hiện trạng dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn, ga Hà Nội sau nhiều lần điều chỉnh, quá trình triển khai thi công gặp nhiều khó khăn, hiện tiến độ triển khai chậm, cầm chừng, rào chắn lòng lề đường đang gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
"Với tiến độ và khó khăn nêu trên, Ban Quản lý dự án có giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ dự án để về đích đúng cam kết?” - đại biểu Nguyễn Văn Luyến đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết, sau nhiều nỗ lực, cố gắng cùng các chỉ đạo của UBND TP nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo ông Minh, dự kiến trong quý II/2024 có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa vào khai thác thương mại, với tinh thần bảo đảm hoàn thành tiến độ dự án.
712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai
Tại kỳ họp, thông tin về những dự án còn chậm triển khai, chưa hiệu quả hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, có 330 dự án (chiếm 46,3%) đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (đã đưa đất vào sử dụng; đã, đang tham mưu trình thu hồi, chấm dứt dự án...).
Đối với 9 dự án, nhóm dự án được HĐND TP chất vấn, tái chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của HĐND, UBND TP đã chỉ đạo, các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và hoàn thành đúng theo tiến độ đã cam kết.
Cụ thể, các đơn vị hoàn thành, trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023 đối với ba dự án, nhóm dự án: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc; Cải tạo công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Thống Nhất; 4/8 dự án thoát nước và xử lý nước thải (ba dự án đang trình HĐND TP để xem xét, phê duyệt tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân thành phố; một dự án sẽ tiếp tục báo cáo để đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư).
46,3% dự án được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai |
Các cơ quan cũng đã hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông. Hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư tại 148 Giảng Võ, quận Ba Đình.
Các dự án còn lại, thành phố đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng đối với Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa);
Đẩy nhanh công tác lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Châu Can sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Đồng thời, đẩy nhanh công tác thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong; Đẩy nhanh công tác lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa tỷ lệ 1/500.
Về dự án nhà ở văn phòng tại số 31- 33-35 Lý Thường Kiệt triển khai đã lâu nhưng chậm tiến độ. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, dự án này liên quan đến thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt. Hiện Đồ án này đang được triển khai, đến quý 1/2024 sẽ hoàn thành.