Bài 2: Trồng cây dược liệu dưới tán rừng - sinh kế mới của đồng bào vùng cao Bài 1: Trồng dược liệu quý giúp đồng bào phát triển kinh tế |
Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng - Lào Cai) đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó giúp nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng. Vợ chồng ông Trần Hữu Thường và bà Trần Thị Mạn, thôn Cốc Sâm, xã Phong Niên là một trong những điển hình như thế.
Đến thăm mô hình trang trại trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật của hộ ông Trần Hữu Thường thôn Cốc Sâm, chúng tôi cảm phục nghị lực và ý chí của người nông dân chăm chỉ này. Bằng sức lao động của chính mình, vợ chồng ông Thường đã xây dựng lên mô hình kinh tế hiệu quả cho doanh thu gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Vượt qua quãng đường dài chúng tôi đến thăm mô hình của gia đình ông Thường, đúng lúc gia đình ông đang tất bật thu hoạch vải để bán cho thương lái. Dẫn chúng tôi ra vườn vải sai trĩu quả, lão nông Trần Hữu Thường khoe, gia đình ông trồng cây vải trên đất đồi này từ những năm 80 của thế kỷ trước vì vậy có những gốc vải đã trên 40 năm tuổi, ông Thường cho biết, cây vải càng già thì cùi càng dày, hạt nhỏ, vị ngọt đậm đà hơn. Những năm trước kia do không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên quả vải mẫu mã xấu, thường hay bị sâu đầu, giá bán thấp. Khi đó, nhiều hộ trong thôn còn chặt bỏ, phá cả vườn. Vợ chồng ông tiếc công tiếc của, cố giữ lại. Ông đã tích cực nghiên cứu "Kỹ thuật trồng và cắt tỉa cành cho vải thiều, rồi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vải, do vậy những năm qua, vườn vải của gia đình ông luôn sai trĩu quả, không bị sâu đầu và rất đẹp mã, được thương lái khắp nơi đặt hàng từ lúc còn ra hoa".
Gia đình ông Thường thu hoạch vải từ những cây vải trên 40 năm tuổi |
Gia đình ông trồng 2 giống vải là vải thiều và vải lai Thanh Hà. Theo tính toán mỗi cây vải cho gia đình ông thu khoảng 1,5 - 1,6 tạ, với giá bán tại vườn là 15 nghìn đồng/ 1 kg. Ước tính vụ vải năm nay với 60 cây vải này sẽ cho gia đình ông Thường thu về 6 - 7 tấn, trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Được biết với 2 ha diện tích đất vườn, đồi, gia đình ông Thường đã cải tạo trồng các loại cây ăn quả, không chỉ có trồng vải mà còn trồng tới 60 cây nhãn, trong đó có khoảng một nửa là nhãn ghép, với 50 cây bưởi Đoan Hùng xung quanh vườn, đồi của gia đình. Đặc biệt, nhận thấy nuôi ong phù hợp với đặc điểm của gia đình mình do có vườn cây ăn quả. Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên ông không dám đầu tư nhiều mà chỉ nuôi vài đàn, vừa nuôi vừa học hỏi để có kiến thức. Lúc đầu nuôi còn luống cuống, nhiều khi còn bị ong đốt sưng tấy cả chân, tay. Đến nay, sau nhiều năm vừa học hỏi vừa nuôi ông đã có 100 thùng ong và có thể gây cầu ong để bán cho người dân xung quanh. Ông cho biết: Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc. Hơn nữa người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa con ong đi lấy mật là từ Tết Nguyên đán đến tháng 4 âm lịch, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Bình quân, mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 800 - 1 nghìn lít mật/năm.
Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Thường |
Có thể nói, với ý chí, nghị lực khát vọng làm giàu, vợ chồng ông Thường đã biến đất đồi khô cằn ban đầu thành một khu vườn cây xanh tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, mỗi năm vườn cây ăn quả kết hợp với nuôi ong, cho gia đình ông doanh thu từ 400 - 450 triệu đồng/năm.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cây ăn quả và nuôi ong lấy mật ông Trần Hữu Thường luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ về kỹ thuật, cây giống… để bà con trong xã có điều kiện phát triển kinh tế.
Những thành quả của gia đình anh ông Trần Hữu Thường có được là sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, biết tận dụng tốt các thế mạnh, tiềm năng của địa phương cùng với ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định kinh tế gia đình. Ông thật xứng đáng với danh hiệu Nông dân điển hình tiên tiến được các cấp, các ngành từ tỉnh đến, huyện, xã khen thưởng.
Tin rằng trong thời gian tới, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Thường sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa ở xã Phong Niên nói riêng và trên địa bàn các xã của huyện Bảo Thắng ngày càng có nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi như gia đình ông Thường. Góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển.