Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về công tác dân tộc, tại Lâm Đồng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được cải thiện. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư, sản xuất có bước phát triển. Công tác y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội được chú trọng...
Lâm Đồng hướng đến xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS |
Thực hiện Nghị quyết 24, tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo quyết liệt các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với sự quyết tâm cao, người dân tích cực tham gia. Nhờ đó, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng từng vùng và tập quán canh tác của đồng bào. Trình độ sản xuất của bà con có bước phát triển, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả.
Các chính sách đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS đã góp phần phát triển toàn diện vùng nông thôn DTTS. Đồng bào đã biết cách làm ăn, hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, góp phần giảm khoảng cách về trình độ phát triển giữa các dân tộc, giữa các khu vực…
Để làm được điều đó, thời gian qua, Lâm Đồng đã tập trung ưu tiên thực hiện chính sách dân tộc ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục ban hành các chính sách nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn ở vùng đồng bào DTTS. Cụ thể như chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo; chính sách trợ giá giống cây trồng; chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; Chương trình 135. Ngoài ra, các ngành, địa phương trong tỉnh còn tập trung chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần cho bà con vùng DTTS như thực hiện chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”. “Triển khai các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS”...
Cùng với các chính sách từ Trung ương, tỉnh Lâm Đồng cũng đã thông qua nhiều chính sách về dân tộc và vùng DTTS trên nhiều lĩnh vực. Các ngành, địa phương đã tập trung vận động, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm 1%, riêng hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 2%.
Về giáo dục, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp tăng lên theo từng năm học, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trang thiết bị dạy học không ngừng tăng cường, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Chất lượng dạy và học được củng cố, kết quả đầu tư tạo nền tảng phát triển giáo dục ngày càng tốt hơn.
Đối với lĩnh vực y tế, các địa phương trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm tới công tác đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó chú trọng đến vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, các chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm cho lao động người đồng bào DTTS, giao khoán quản lý bảo vệ rừng... tiếp tục được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành động lực có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tính đến hết năm 2019, Lâm Đồng có 99/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với phát triển hạ tầng, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng hướng đến việc xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS để bà con có điều kiện phát triển bền vững.