Lãi suất ngân hàng hôm nay ngày 31/5/2024, theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương tại website của 35 ngân hàng, chỉ ghi nhận 2 nhà băng điều chỉnh lãi suất huy động là Eximbank và VIB. Đáng chú ý, VIB đã có tới 4 lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng, trong khi đó Eximbank là ngân hàng thứ 20 tăng lãi suất huy động trong tháng 5/2024.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 - 2 - 3 tháng hiện lần lượt là 3,1% - 3,3% - 3,4%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6 - 9 tháng đã tăng lên 4,2%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng vừa chạm mốc 5%/năm, kỳ hạn 15 tháng 5,1%/năm. Hiện lãi suất ngân hàng kỳ hạn 18 tháng đã được Eximbank nâng lên 5,2%/năm. Lãi suất cao nhất thuộc về kỳ hạn 24 - 36 tháng, đạt 5,3%/năm.
Trước đó, Eximbank cũng đã có hai lần tăng lãi suất huy động vào tháng 3 và tháng 4.
Đáng chú ý, trong sáng nay, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tiếp tục có lần thứ 4 tăng lãi suất tính từ đầu tháng 5, với mức tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn 6 - 11 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được VIB công bố, lãi suất các kỳ hạn này đồng loạt được niêm yết tại mức 4,3%/năm.
VIB giữ nguyên lãi suất tiền gửi các kỳ hạn còn lại. Kỳ hạn 1 - 2 tháng có lãi suất 2,8%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng 3,1%/năm, kỳ hạn 15 - 18 tháng 4,9%/năm, và lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,1%/năm cho các kỳ hạn 24 - 36 tháng.
VIB đã từng 3 lần tăng lãi suất trong tháng này là vào các ngày 4; 8 và 21/5. Ngoài VIB, chỉ có ABBank là ngân hàng đã có tới 4 lần tăng lãi suất huy động trong tháng.
Trong tháng 5/2024 có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động |
Trước đó, ngày 30/5, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã gây sốc khi tăng lãi suất huy động tới 0,8% rồi lại bất ngờ điều chỉnh lại về mức cũ. Biểu lãi suất huy động trực tuyến được VPBank niêm yết sáng 30/5 trở lại hệt như đã niêm yết trước ngày 29/5. Theo đó, lãi suất huy động dành cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, tài khoản dưới 10 tỷ đồng như sau: Kỳ hạn 1 tháng 2,9%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng 3,2%/năm, kỳ hạn 6 - 11 tháng 4,4%/năm, kỳ hạn 12 - 15 tháng 5%/năm và kỳ hạn 24 - 36 tháng 5,4%/năm.
VPBank cộng thêm lần lượt 0,1% và 0,2%/năm lãi suất cho tài khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, và từ 50 tỷ đồng trở lên đối với kỳ hạn 1 - 12 tháng.
Trong ngày 30/5, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng điều chỉnh lãi suất huy động. Sau khi tăng 0,3%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 - 18 tháng vào ngày 20/5, HDBank lại điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn 12 - 18 tháng, theo hai hướng trái ngược nhau.
Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 và 13 tháng tại HDBank tăng 0,2%/năm, lần lượt đạt mức 5,5% và 5,7%/năm. Ở chiều ngược lại, ngân hàng này giảm 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 và 18 tháng, lần lượt xuống 6% và 6,1%/năm. Mặc dù giảm nhẹ lãi suất với hai kỳ hạn trên, nhưng nhìn chung lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn này vẫn tăng so với tháng trước, bởi trước đó HDBank đã tăng 0,3%/năm lãi suất các kỳ hạn này. Ngoài việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 12 - 18 tháng, lãi suất các kỳ hạn còn lại không thay đổi.
HDBank, cùng với OCB và OceanBank, đang là những ngân hàng hiếm hoi duy trì mức lãi suất huy động từ 6%/năm.
Bên cạnh lãi suất huy động thông thường, một số ngân hàng áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” với mức lãi suất cao nhất lên đến 9,5%/năm. Tuy nhiên mức lãi suất này lại không dành cho số đông do phải đáp ứng điều kiện cực khó ngân hàng đưa ra. HDBank là một trong số các ngân hàng vẫn duy trì lãi suất đặc biệt cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng, lần lượt lên đến 7,7% và 8,1%/năm. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng gửi tiết kiệm số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.
Cùng HDBank, một số ngân hàng khác cũng đang duy trì chính sách lãi suất đặc biệt là MSB, Dong A Bank, ACB, PVCombank,...
PVCombank đang áp dụng “lãi suất đặc biệt” lên đến 9,5%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 - 13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Dong A Bank cũng áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” khi gửi tiền từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,5%/năm.
“Lãi suất đặc biệt” tại MSB đang là 7%/năm (giảm 0,5 điểm phần trăm so với đầu tháng 4), áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và cũng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
“Lãi suất đặc biệt” tại ACB hiện là 5,6%/năm khi gửi tiền vào kỳ hạn 13 tháng (lãi suất thông thường là 4,4%/năm). Ngoài ra, một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, SeABank, ACB đang áp dụng chính sách lãi suất bậc thang tuỳ theo số tiền gửi, hoặc mặc định cộng thêm lãi suất cho khách hàng khi gửi từ 100 triệu đồng.
LÃI SUẤT HUY ĐỘNG TẠI CÁC NGÂN HÀNG NGÀY 31 THÁNG 5 (%/NĂM) | ||||||
NGÂN HÀNG | 1 THÁNG | 3 THÁNG | 6 THÁNG | 9 THÁNG | 12 THÁNG | 18 THÁNG |
AGRIBANK | 1,6 | 1,9 | 3 | 3 | 4,7 | 4,7 |
BIDV | 2 | 2,3 | 3,3 | 3,3 | 4,7 | 4,7 |
VIETINBANK | 1,8 | 2,1 | 3,1 | 3,1 | 4,7 | 4,7 |
VIETCOMBANK | 1,6 | 1,9 | 2,9 | 2,9 | 4,6 | 4,6 |
ABBANK | 2,9 | 3 | 4,7 | 4,1 | 5,2 | 4,1 |
ACB | 2,5 | 2,9 | 3,5 | 3,8 | 4,5 | 4,6 |
BAC A BANK | 3,1 | 3,3 | 4,6 | 4,7 | 5,4 | 5,5 |
BAOVIETBANK | 3 | 3,25 | 4,3 | 4,4 | 4,7 | 5,5 |
BVBANK | 3,2 | 3,4 | 4,7 | 4,6 | 5,3 | 5,5 |
CBBANK | 3,4 | 3,6 | 5,15 | 5,1 | 5,3 | 5,55 |
DONG A BANK | 2,8 | 3 | 4 | 4,2 | 4,5 | 4,7 |
EXIMBANK | 3,1 | 3,4 | 4,2 | 4,2 | 5 | 5,2 |
GPBANK | 2,5 | 3,02 | 4,35 | 4,6 | 5,15 | 5,25 |
HDBANK | 3,25 | 3,25 | 4,9 | 4,7 | 5,5 | 6,1 |
INDOVINA BANK | 3,2 | 3,45 | 4,4 | 4,45 | 5,2 | 5,4 |
KIENLONGBANK | 3 | 3 | 4,7 | 5 | 5,2 | 5,5 |
LPBANK | 2,6 | 2,7 | 4 | 4,1 | 5 | 5,6 |
MB | 2,6 | 3 | 3,9 | 4 | 4,8 | 4,7 |
MSB | 3,5 | 3,5 | 4,1 | 4,1 | 4,5 | 4,5 |
NAM A BANK | 2,7 | 3,4 | 4,3 | 4,7 | 5,1 | 5,5 |
NCB | 3,4 | 3,7 | 4,85 | 5,05 | 5,4 | 5,9 |
OCB | 3 | 3,2 | 4,6 | 4,7 | 4,9 | 5,4 |
OCEANBANK | 2,9 | 3,2 | 4 | 4,1 | 5,4 | 5,9 |
PGBANK | 2,9 | 3,2 | 4,2 | 4,2 | 5 | 5,2 |
PVCOMBANK | 3,15 | 3,15 | 4,3 | 4,3 | 4,8 | 5,3 |
SACOMBANK | 2,7 | 3,2 | 4 | 4,1 | 4,9 | 5,1 |
SAIGONBANK | 2,3 | 2,5 | 3,8 | 4,1 | 5 | 5,6 |
SCB | 1,6 | 1,9 | 2,9 | 2,9 | 3,7 | 3,9 |
SEABANK | 2,7 | 2,9 | 3,6 | 3,8 | 4,45 | 5 |
SHB | 3,1 | 3,2 | 4,5 | 4,6 | 5 | 5,3 |
TECHCOMBANK | 2,75 | 3,05 | 3,95 | 3,95 | 4,65 | 4,65 |
TPBANK | 3 | 3,3 | 4,2 | 4,9 | 5,3 | |
VIB | 2,8 | 3,1 | 4,1 | 4,1 | 4,9 | |
VIET A BANK | 3 | 3,3 | 4,5 | 4,5 | 5 | 5,3 |
VIETBANK | 3 | 3,4 | 4,6 | 4,6 | 5,2 | 5,8 |
VPBANK | 2,9 | 3,2 | 4,4 | 4,4 | 5 | 5 |
Theo thống kê từ đầu tháng 5/2024, có loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank, SHB, VietBank, MB, và Eximbank. Trong đó, ABBank và VIB là hai ngân hàng đã 4 lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng. Các ngân hàng CB, SeABank, NCB, Techcombank, Bac A Bank, BVBank, PGBank, HDBank là những ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất.
Ngược lại, VietBank là ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn, trong khi MB giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, VIB giảm lãi suất huy động đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng, VPBank giảm lãi suất kỳ hạn 24 - 36 tháng, HDBank giảm lãi suất kỳ hạn 15 - 18 tháng. Tuy nhiên, lãi suất của nhóm các ngân hàng trên cùng giảm 0,1%/năm, thấp hơn so với mức tăng lãi suất huy động của chính các ngân hàng này.
Theo các nhà phân tích tài chính, mặt bằng lãi suất ở mức thấp khiến cho nhu cầu nắm giữ các tài sản sinh lời cao hơn tăng lên, gây áp lực đối với hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Tiền nhàn rỗi bắt đầu tìm đến các kênh đầu tư tích lũy khác như bất động sản, vàng, chứng khoán. Tuy vậy, tín dụng vẫn đang tăng trưởng thấp và các kênh đầu tư nói trên chưa hồi phục rõ nét, biến động khó lường, do đó, đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.
Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tỷ giá có thể tăng nhanh trong những tháng tới nếu gặp phải áp lực nhập siêu. Theo vị chuyên gia này, việc hạ lãi suất hiện nay chưa thúc đẩy được nền kinh tế, trong khi lại đang tạo ra rủi ro cho tỷ giá. Lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng. Hiện Việt Nam áp dụng chính sách tiền tệ ngược với xu hướng chung của thế giới. Công cụ cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước là lãi suất điều hành vẫn chưa tăng, trong khi áp lực tỷ giá được nhận định vẫn chưa hết.
Từ đầu năm đến nay, VND mất giá gần 5% so với USD, ngang bằng dự báo cả năm 2024. Đây là yếu tố bất ổn khiến Ngân hàng Nhà nước phải đối phó nhiều nhất trong quý đầu năm. Chính vì áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước phải phát hành tín phiếu, gửi tín hiệu đến thị trường rằng, chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại. Sau khi phát hành 172.000 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất OMO tăng từ 1%/năm lên khoảng 4%/năm.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - nhận định, lãi suất tăng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá, song theo chu kỳ mùa vụ, áp lực tỷ giá sẽ còn quay trở lại từ cuối quý III và quý IV hằng năm. Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô. Tỷ giá tăng và lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác. Do đó, việc tăng lãi suất này chắc chắn sẽ là xu hướng dài hạn.