Kỳ vọng “cú hích” mới với làn sóng đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam
Ngày 8/4, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) và Triển lãm quốc tế Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) 2024 đã diễn ra tại Hà Nội.
Đây là sự kiện do Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư và thương mại DVL IPT phối hợp Tổng hội Thương mại Đài Loan Thế giới (WTCC) tổ chức.
Kêu gọi đầu tư vào ngành bán dẫn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, quan hệ hợp tác kinh tế đầu tư thương mại Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) đã phát triển tích cực và ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
"Các nhà đầu tư Đài Loan đã đến Việt Nam từ rất sớm, ngay từ trong những ngày đầu "mở cửa" đầy khó khăn. Chúng ta đã cùng nhau vượt qua nhiều thách thức", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông (Ảnh: Hùng Mạnh) |
Hiện Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan. Trong năm 2023, nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD (tăng gấp 4 lần so với năm 2022).
Tính lũy kế, Đài Loan (Trung Quốc) hiện đứng thứ 4/105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với gần 3.200 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 39,5 tỷ USD. Đài Loan (Trung Quốc) cũng là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.
"Đài Loan (Trung Quốc) là một nền kinh tế lớn, với trình độ công nghệ kỹ thuật cao. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Đài Loan đều đã có hiện diện, đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, bán dẫn…, những lĩnh vực Đài Loan (Trung Quốc) có thế mạnh, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tham gia diễn đàn (Ảnh: Hùng Mạnh) |
Chia sẻ thêm thông tin về những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam hiện đang chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất trong lĩnh vực công nghệ cao, AI và bán dẫn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tăng cường chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường hỗ trợ đào tạo lao động tay nghề cao, tạo điều kiện để hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông cũng lưu ý, khi đầu tư tại Việt Nam, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) cần tiếp tục quan tâm đến đời sống người lao động và công tác an sinh xã hội.
Điều gì hấp dẫn "đại bàng" bán dẫn Đài Loan tới Việt Nam "làm tổ"?
Tại diễn đàn, ông CY Huang, Chủ tịch sáng lập Liên minh ảnh hưởng Đông Nam Á nói rằng, Việt Nam là điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc). Theo nhận định của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á.
Cũng theo ông CY Huang, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) có nhiều nét văn hóa tương đồng, giúp giảm thiểu rào cản giao tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam sở hữu lợi thế dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các ngành công nghiệp đa dạng nên tạo cơ hội đầu tư rộng mở cho doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc).
Tọa đàm "Việt Nam - Sự lựa chọn đúng đắn cho các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) |
Trong khi đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận: Việt Nam có rất nhiều yếu tố tích cực để nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) phát huy được thế mạnh khi đầu tư vào Việt Nam.
Đơn cử, với dân số trên 100 triệu người, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ dồi dào và là một thị trường không nhỏ với mức sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam giữ được sự cân bằng, ổn định trong quan hệ với các cường quốc hàng đầu thế giới, giữ được vị thế quốc tế và là quốc gia có hòa bình và ổn định chính trị - xã hội hàng đầu thế giới, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
"Việt Nam cũng đang phấn đấu đến năm 2045 gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Đây là mục tiêu, là khát vọng, là động lực chung của quốc gia cũng như của mỗi người dân và của mỗi doanh nghiệp Việt Nam", ông Phạm Tấn Công nói.
Theo Chủ tịch VCCI, trong những năm gần đây, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những khó khăn của kinh tế toàn cầu, quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) vẫn tiếp tục tăng trưởng.
"Hiện, hầu hết các tập đoàn điện tử lớn của Đài Loan như Foxconn, Wistron, Qisda, Pegatron, Compal, Quanta… đều đã đầu tư vào Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng cho quan hệ hợp tác giữa hai bên", ông Phạm Tấn Công nói.
Thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc, mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra "Triển lãm quốc tế Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) 2024", Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xúc tiến đầu tư và thương mại DVL IPT, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Trưởng Ban tổ chức diễn đàn cho biết, triển lãm nhằm tạo điều kiện giới thiệu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan hợp tác thương mại, cũng như để các địa phương giới thiệu tiềm năng thế mạnh đến các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc).
Các đại biểu bấm nút khai mạc triển lãm (Ảnh: Hùng Mạnh) |
Theo đại diện VIPFA, các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đang rất quan tâm và tiếp tục xu thế mở rộng hợp tác đầu tư và kinh doanh với Việt Nam. Cùng với đó là các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam ngày càng hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) nói riêng….
Luật sư Nguyễn Hồng Chung phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Hùng Mạnh) |
"Đây là cơ hội cho giao lưu và kết nối giữa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kinh doanh nhà xưởng, kho bãi, logistics và các ngân hàng, tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư, các nhà cung cấp, các cơ sở sản xuất của địa phương và các nhà phân phối.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước gặp gỡ, tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tại Việt Nam", Luật sư Nguyễn Hồng Chung nhấn mạnh.