Gạo Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nga
Những dấu mốc đáng nhớ
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị được coi là dấu mốc quan trọng khi giao cho nông dân quyền chủ động lớn hơn trong tổ chức sản xuất lúa gạo. Tại thời điểm đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu mỗi năm khoảng 1,8- 2 triệu tấn lương thực. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên ghi danh vào những quốc gia XK gạo trên thế giới với 4 triệu tấn, trị giá 310 triệu USD.
Dấu mốc thứ hai đáng nhớ hơn là việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đã mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam với thị trường rộng lớn 155 nước thành viên, chiếm 97% GDP toàn cầu. Sau 5 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và đây cũng là thời kỳ hoàng kim cho XK gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên lọt Top 3 về XK gạo. Năm 2011 và 2012, gạo Việt Nam tiếp tục bứt phá và vươn lên vị trí thứ 2. Hai năm gần đây, dù tình hình gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn nằm trong Top 3 những nước XK gạo lớn nhất thế giới.
Cơ hội lớn từ các FTA
Việt Nam đang đàm phán rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp gạo Việt Nam thu được giá trị cao hơn trong thời gian tới.
Đơn cử, Thái Lan và Ấn Độ- hai đối thủ lớn nhất của gạo Việt Nam- chưa tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp ký kết. Đây sẽ là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập các thị trường trên thế giới với giá cả cạnh tranh do được ưu đãi về thuế. Thị trường Mỹ, thuế áp cho gạo của Việt Nam sẽ ngay lập tức giảm từ 7% hiện nay xuống 0% khi TPP có hiệu lực...
Tương tự, cơ hội cho gạo Việt Nam XK sang các quốc gia thuộc khu vực Liên minh Kinh tế Á- Âu (EEU) khi FTA Việt Nam- EEU có hiệu lực cũng rất lớn. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Tâm- nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga- chia sẻ: Hiện gạo Việt Nam XK sang Nga đang bị áp thuế 40%. Khi FTA Việt Nam- EEU có hiệu lực, với những cam kết giảm thuế mạnh, sức cạnh tranh của gạo Việt Nam khi XK sang Nga sẽ tăng cao.
Theo các cam kết trong FTA Việt Nam- EEU, các thành viên EEU sẽ dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch là 10.000 tấn gạo được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Sau khi XK đủ lượng này, các sản phẩm gạo XK sang Nga sẽ chịu thuế suất thuế nhập khẩu 11,7% và VAT 10%, thấp hơn đáng kể so với con số 40% hiện nay.
Nhìn trước những cơ hội từ FTA Việt Nam- EEU, các ngân hàng đang vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu thanh toán- một trong những khó khăn lớn nhất khi XK sang Nga. Ông Lê Ngọc Lâm- đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)- cho biết, đón đầu cơ hội XK vào Nga, mới đây, BIDV đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao làm đầu mối thực hiện Đề án thanh toán song phương Việt- Nga. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp thanh toán trực tiếp, tránh rủi ro khi phải thanh toán qua trung gian như hiện nay.
Kỳ VII: Trụ vững “ngôi vương” xuất khẩu gạo
Nhu cầu giảm sút, nguồn cung gia tăng đang là nguyên nhân khiến gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong XK, đặc biệt tại các thị trường truyền thống. Các FTA đã và sắp được ký kết kỳ vọng là sẽ giúp gạo Việt khai mở nhiều thị trường mới, gia tăng XK. |