Hà Giang: Hỗ trợ lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm Tỉnh Hà Giang: Ưu tiên phân phối hàng Việt Nam đến người tiêu dùng |
Nhiều ngành, lĩnh vực có kết quả tăng trưởng cao
6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang ước đạt trên 6.768 tỷ đồng, tăng 7,86% so cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua.
Trong đó, các ngành, lĩnh vực sản xuất chính đạt được những kết quả rất tích cực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng 5,39% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến với Hà Giang trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,1 triệu lượt người - tăng 72,1% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu du lịch đạt trên 2.211 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt 1.085,8 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 56,2% dự toán Trung ương giao. Công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số doanh nghiệp, xúc tiến du lịch, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp… đều có những kết quả đáng khích lệ.
Cam sành tỉnh Hà Giang tiếp tục được giới thiệu, quảng bá ở hệ thống siêu thị tại nhiều tỉnh, thành phố |
Con số 13 nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu khảo sát đầu tư vào tỉnh Hà Giang, 3 dự án với tổng vốn đăng ký trên 116 tỷ đồng… được cấp giấy chứng nhận đầu tư là minh chứng cho thấy, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Giang đang ngày càng được cải thiện.
Từ một tỉnh được xác định còn vô vàn khó khăn, tỉnh Hà Giang đã vượt lên đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố.
Có được kết quả này, phải kể đến những tác động tích cực từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ được tỉnh Hà Giang chỉ đạo triển khai bài bản, đồng bộ, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Tuy nhiên, thảo luận tại tổ, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của địa phương và đề nghị phân tích, đánh giá kỹ các nguyên nhân như: Vì sao tiến độ dự án đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm? (Cụ thể, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm các nguồn vốn chỉ đạt 23,54% kế hoạch tỉnh giao, giải ngân vốn ngân sách T.Ư mới đạt 19,37% kế hoạch). Hoạt động chế biến khoáng sản tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… trách nhiệm thuộc về cơ quan, cá nhân nào?
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022
Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận và quyết định một số nội dung quan trọng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang thời gian tới, như: Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 40 ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang; Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện các chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn; Nghị quyết về phân bổ, giao dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2022…
Theo ông Lương Văn Đoàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang, dự báo trong 6 tháng cuối năm, các hoạt động phát triển kinh tế của Hà Giang sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì vậy, các ngành, các cấp cần chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần “phục vụ”, “kiến tạo”, tạo niềm tin và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các đơn vị cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm có số vốn đầu tư lớn, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư.
Hoạt động bê tông hóa đường giao thông nông thôn sẽ được tỉnh Hà Giang đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm |
Cụ thể, để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu năm 2022 mà Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đưa ra tại Kỳ họp lần này, tỉnh Hà Giang phải khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của các chương trình Mục tiêu Quốc gia và có giải pháp, thứ tự ưu tiên triển khai theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; đẩy nhanh tiến độ cung ứng và tiếp nhận xi măng để thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn các xã năm 2022.
Chủ động, linh hoạt trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như: Cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần; đường từ quốc lộ 2 (xã Tân Quang) đi xã Đồng Tâm thuộc huyện Bắc Quang; các dự án ODA như chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án tại Hà Giang; dự án thoát nước và xử lý nước thải của thành phố Hà Giang…
Song song với đó, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022; quyết liệt hơn trong công tác giải quyết vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm tổ chức khởi công xây dựng các dự án trọng điểm như: Dự án du lịch nghỉ dưỡng khu P'apiu - Lũng Hồ 1 và 2; Dự án nhà máy xử lý rác thải xã Kim Thạch (huyện Vị Xuyên)…
Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Cam sành Hà Giang, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà; Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.