Kỳ họp thứ 4 Uỷ ban hỗn hợp thương mại Việt Nam - Thái Lan: Nỗ lực hướng tới mục tiêu 25 tỷ USD và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế-thương mại
Tin hoạt động 20/04/2022 18:54
Cùng tham dự Kỳ họp, về phía Việt Nam có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đại diện các Bộ: Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại diện một số Tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam có hoạt động hợp tác với Thái Lan.
Về phía Thái Lan có đại diện các Bộ: Thương mại, Ngoại giao, Công nghiệp, Nông nghiệp và Hợp tác xã, Tài chính, Giao thông vận tải, Y tế, Năng lượng, Lao động, Ủy ban Đầu tư Thái Lan, Văn phòng Hội đồng Kinh tế quốc gia và Phát triển xã hội, Ngân hàng Trung ương Thái Lan.
Phiên họp toàn thể Kỳ họp lần thứ tư Ủy ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam – Thái Lan |
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit chào mừng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, những kết quả tích cực đạt được trong phòng chống dịch và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch, khẳng định phía Thái Lan coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan coi trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng thương mại Thái Lan ghi nhận xu hướng phát triển rõ rệt trong trao đổi thương mại giữa hai nước kể từ năm 2012, đặc biệt, có nhiều chuyển biến tích cực kể từ Kỳ họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp Thương mại được tổ chức năm 2018 tại Hà Nội, mặc dù trong hai năm qua gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cảm ơn Chính phủ và các cơ quan phía Việt Nam đã sửa đổi Nghị định 116/2017 năm 2017 liên quan đến điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cấp phép thành lập chi nhánh Ngân hàng Kasikorn tại Việt Nam, hỗ trợ phía Thái Lan thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (Thaicham), đã hoàn tất thủ tục cho phía Thái Lan đăng ký chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm của Thái Lan. Bên cạnh các đề xuất đã được đưa vào Biên bản kỳ họp, phía Thái Lan nhấn mạnh thêm một số vấn đề: đề nghị Việt Nam phối hợp và tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh theo các hiệp định đã ký trong khuôn khổ Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng GMS và ASEAN, đề nghị Việt Nam tạo thuận lợi trong quy trình cấp phép nhập khẩu nhập khẩu sản phẩm thịt gà và một số trái cây của Thái Lan, tạo thuận lợi trong vấn đề đăng ký dược phẩm, đề nghị mở rộng phạm vi hợp tác lao động trong khuôn khổ MOU đã ký giữa hai Bộ Lao động.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit, Bộ Thương mại Thái Lan có lời mời, dành sự tiếp đón trọng thị cho đoàn Việt Nam sang tham dự Kỳ họp lần thứ 4 UBHHTM giữa hai nước. Bộ trưởng nhấn mạnh Kỳ họp lần thứ tư được tổ chức vào thời điểm có nhiều ý nghĩa. Cả hai nước về cơ bản đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các hoạt động kinh tế, thương mại đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid. Hai nước cũng vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2021, hiện đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược tăng cường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Trong khi đó, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những thay đổi sâu sắc, quan hệ thương mại giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng, chiến sự tại U-crai-na cùng với diễn biến bất lợi của thị trường năng lượng thế giới tiếp tục tạo ra nhiều khó khăn cho các ngành chế tạo và hoạt động thương mại. Ở chiều hướng khác là sự tái cấu trúc của mạng lưới sản xuất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những nhân tố mới này đang đặt ra cả thời cơ và thách thức, đặt ra yêu cầu và cơ hội để hai nền kinh tế tăng cường sự kết nối, hợp tác bổ trợ cho nhau trên cơ sở cùng có lợi. Bộ trưởng cho rằng những sáng kiến, giải pháp, hành động cụ thể được hai Bên thảo luận và thống nhất tại Kỳ họp sẽ tạo ra những động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước, đồng thời tăng cường sự phối hợp của hai Bên trong ASEAN và các khuôn khổ hợp tác đa phương, khu vực.
Trong không khí hữu nghị, hợp tác, trên tinh thần xây dựng và hiểu biết lẫn nhau, hai Bên đã rà soát tình hình hợp tác, đánh giá những kết quả tích cực đạt được cũng như một số hạn chế trong quan hệ thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực liên quan kể từ Kỳ họp lần thứ 3 tổ chức năm 2018. Trên cơ sở đó, hai Bên đã bàn bạc, thống nhất một số định hướng, giải pháp, kế hoạch hoạt động cụ thể cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn hậu Covid, hướng đến mục tiêu sớm đạt được kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD như Thủ tướng hai nước đã đặt ra, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước.
Trong lĩnh vực thương mại, hai Bên ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của kim ngạch song phương, Trong bối cảnh dịch bệnh và nhiều khó khăn, trao đổi thương mại năm 2021 vẫn đạt 18,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Hai Bên nhất trí cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, trong khi đó cần phải chú ý hơn tới các giải pháp phát triển thương mại theo hướng cân bằng hơn, cùng có lợi. Một số biện pháp cụ thể được hai bên thảo luận gồm: giảm tối đa việc áp dụng, đồng thời tìm phương hướng giải quyết các rào cản thương mại không cần thiết nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các chuỗi cung ứng; thiết lập kênh trao đổi thông tin giữa các cơ quan phụ trách lĩnh vực phòng vệ thương mại, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại Thái Lan và Việt Nam, khuyến khích các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan làm cầu nối đưa hàng hoá Việt Nam đến với người tiêu dùng Thái Lan và người tiêu dùng tại các nước mà Thái Lan có đầu tư phát triển hệ thống phân phối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực logistics để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại. Phía Việt Nam đã đề nghị Thái Lan trao đổi, chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách, thủ tục nhập khẩu của Thái Lan, dỡ bỏ những quy định không cần thiết đối với các mặt hàng Việt Nam quan tâm, trong đó có mặt hàng sắt thép, đường, sữa, sắn lát..., đề nghị Thái Lan đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh đối với tàu hàng Việt Nam ghé cảng Thái Lan. Hai Bên khuyến khích các đơn vị phụ trách thương mại điện tử tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, trong đó có việc trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Hai bên cũng hoan nghênh việc thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham). Trong khi đó, phía Việt Nam đề nghị Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan, để làm cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam hoạt động, kinh doanh tại Thái Lan.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai Bên thảo luận việc tiếp tục phối hợp để mở rộng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm trái cây tươi, đẩy nhanh quy trình phân tích nguy cơ dịch hại, nhấn mạnh tầm quan trọng của Bản ghi nhớ hợp tác trong việc áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) ký năm 2004 và trao đổi khả năng ký lại Bản ghi nhớ. Phía Thái Lan cho biết đã cấp phép nhập khẩu cho 4 loại hạt là hạt ớt chuông, cà, khoai tây và ngô nhập khẩu vào Thái Lan, bên cạnh 5 loại trái cây đã được cấp phép từ trước (thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, vải, nhãn, xoài). Phía Việt Nam hiện quan tâm đến tiếp cận thị trường cho các mặt hàng như bưởi, chanh leo, vú sữa, na, chôm chôm. Thái Lan quan tâm đến các mặt hàng chôm chôm, xoài, gia cầm, trứng giống gia cầm.
Trong lĩnh vực kết nối giao thông, hai bên nhất trí tăng cường sự phối hợp trong việc triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới ở tiểu vùng Mê Công (GMS CBTA), phối hợp cùng Lào trong việc thiết lập các tuyến xe khách kết nối các địa phương giữa ba nước, phối hợp cùng Campuchia phát triển tuyến đường vận tải biển từ phía Đông Thái Lan qua phía Nam Campuchia và Việt Nam, khuyến khích hợp tác phát triển dịch vụ vận tải hai chiều giữa hai nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, hai Bên nhất trí thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực cùng quan tâm như các ngành công nghiệp nền tảng (năng lượng, ô tô, vật liệu, điện tử, hoá chất), chế biến thực phẩm, dệt may, phát triển hạ tầng (khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics).
Hai Bên ghi nhận kết quả hợp tác và nhất trí phối hợp với các cơ quan hữu quan của mỗi nước để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như ngân hàng, lao động, sở hữu trí tuệ, đầu tư... để hỗ trợ và tạo thêm các cơ hội cho việc mở rộng các hoạt động thương mại.
Hai Bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế tiểu vùng, khu vực và đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, ACMECS, CLMVT, MLC, WTO... Để khác phục những tác động của dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế khu vực, hai Bên nhất trí tăng cường phối hợp trong việc thực thi và nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do ASEAN+, tập trung vào thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, giải quyết hàng rào phi thuế quan, tăng cường minh bạch... nhằm bảo đảm dòng chảy hàng hoá không bị gián đoạn, củng cố thương mại nội khối ASEAN và chuỗi cung ứng khu vực, đóng góp cho phục hồi kinh tế của khu vực sau đại dịch.
Kết thúc Kỳ họp, hai Trưởng đoàn đã thông qua Biên bản Kỳ họp, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ Thương mại Thái Lan, Bộ Công Thương Việt Nam và làm việc với các cơ quan hữu quan để triển khai kết quả Kỳ họp, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tặng quà lưu niệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan khẳng định phía Thái Lan luôn mong muốn và sẵn sàng hợp tác để giải quyết những quan ngại của phía Việt Nam, cũng như để khắc phục những khó khăn đang đặt ra cho hai nước liên quan đến những diễn biến địa chính trị, xung đột hiện nay trên thế giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan bày tỏ sự đồng tình với những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và cho biết Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan của Thái Lan như Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Bộ Giao thông... để xử lý những vấn đề Việt Nam quan tâm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan và các đại biểu chụp hình lưu niệm |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Ngân hàng Kasikorn và Tập đoàn Central Group.
Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Thái Lan nhân dịp sang tham dự Kỳ họp lần thứ tư Ủy ban hỗn hợp thương mại Việt Nam – Thái Lan, theo đề nghị của phía Thái Lan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với Lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng Kasikorn và Tập đoàn Central Group trong ngày 20/4/2022.
Đại diện Ngân hàng Kasikorn đã cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn Việt Nam đã dành thời gian tiếp. Kasikorn trình bày với Bộ trưởng tình hình, kế hoạch hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Lãnh đạo chủ chốt Ngân hàng Kasikorn |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng Kasikorn đã chính thức vận hành chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11 năm 2011 và cung cấp nhiều dịch vụ tới khách hàng. Bộ trưởng cho rằng Kasikorn có thể phát huy vai trò trong việc hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư giữa Thái Lan và Việt Nam, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Thái Lan và doanh nghiệp tại các nước mà Kasikorn đã có chi nhánh, đặc biệt là tại các nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma. Bộ trưởng đề nghị Kasikorn tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, nghiên cứu và đưa ra các gói hỗ trợ tài chính với mức lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa của Việt Nam để khôi phục, mở rộng sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hậu Covid, nghiên cứu các cơ hội đầu tư, cung cấp vốn cho các dự án hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới, chẳng hạn như điều chế hydro xanh, amoniac xanh, sản xuất pin dự trữ năng lượng...
Kasikorn Bank (Kbank) được thành lập năm 1945 tại Thái Lan và chính thức trở thành công ty đại chúng vào năm 1976. KBank hiện là ngân hàng lớn thứ 02 tại Thái Lan với giá trị vốn hóa trên thị trường đạt 10 tỉ USD. KBank ưu tiên xây dựng những giá trị bền vững thông qua hoạt động quản trị doanh nghiệp, rủi ro và chi phí hiệu quả, cân bằng giữa 03 khía cạnh kinh tế-xã hội-môi trường nhằm đạt được các mục tiêu và tạo ra lợi nhuận bền vững dài hạn. KBank được cấp phép mở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19 tháng 01 năm 2021. Chi nhánh chính thức hoạt động vào tháng 11 năm 2021 cung cấp nhiều dịch vụ tới khách hàng địa phương bao gồm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Central Group, sau khi nghe giới thiệu thông tin về hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, kế hoạch đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chúc mừng sự phát triển ngày càng lớn mạnh và sự mở rộng quy mô, hoạt động đầu tư của Tập đoàn Central Group trên phạm vi thế giới. Bộ trưởng đánh giá cao việc Central Retail, là thành viên của Central Group, đã quan tâm đến công tác cộng đồng tại Việt Nam trong đó có việc đóng góp cho Quỹ Vắc xin, có hỗ trợ thiết thực cho những người dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hỗ trợ nông dân và một số địa phương tại Việt Nam tiêu thụ các mặt hàng nông sản theo mùa.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp đại diện Tập đoàn Central Group |
Đại diện Central Retails bày tỏ mong muốn đóng góp vào việc xúc tiến xuất khẩu những sản phẩm có chất lượng tốt, thương hiệu mạnh của Việt Nam sang thị trường Thái Lan và những thị trường mà Central Retail có kênh phân phối, như thủy sản, cà phê, trái cây, thực phẩm chế biến, đồ uống, hàng may mặc...
Bộ trưởng đề nghị Central Retail tăng cường các hoạt động quảng bá, hỗ trợ đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Thái Lan và các thị trường khác tại Đông Nam Á, châu Âu nơi Central Group có đầu tư phát triển hệ thống phân phối, giới thiệu sản phẩm của Việt Nam trên các hệ thống bán lẻ trực tuyến của Thái Lan. Bộ trưởng cho biết hiện nay tại Việt Nam, năng lực sản xuất đối với nhiều loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, sản phẩm gia dụng của Việt Nam đã được nâng cao, đảm bảo uy tín, chất lượng. Hàng hóa bản địa của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt về chất lượng và giá cả nếu được phân phối trong hệ thống bán lẻ của Central Retail tại Việt Nam. Điều này vừa giúp tăng lợi ích kinh tế của Central Retail, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Để làm được điều này, Central Retail cần tăng cường hoạt động đào tại, tập huấn về bán lẻ (tiêu chuẩn hàng hóa, bao gói, hướng dẫn bảo quản, điều kiện thu mua hàng hóa...) cho các nhà cung ứng tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp... tại các địa phương và tổ chức việc kết nối, thu mua thường xuyên từ những nhà cung ứng này với mức chiết khấu thấp, thậm chí là 0%. Bộ Công Thương có nhiều cơ sở đào tạo, sẵn sàng hợp tác với Central Retail để đào tạo nhân lực ngành bán lẻ và tập huấn cho các nhà cung ứng để nâng cao khả năng cung ứng hàng cho các siêu thị.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nghe đại diện Tập đoàn Central Group giới thiệu về khu bày bán thực phẩm Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Central World |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nghe đại diện Tập đoàn Central Group giới thiệu về khu bày bán sản phẩm trái cây và thực phẩm chế biến của Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Central World |
Để có thể phát triển lâu dài, bền vững tại Việt Nam, Central Retail nên hợp tác với các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, cũng như hợp tác với các hệ thống bán lẻ bản địa của Việt Nam để cùng phát triển trên cơ sở bổ trợ cho nhau và hai bên cùng có lợi. Để tận dụng những cơ hội kinh doanh mới đang đặt ra tại Việt Nam, Bộ trưởng cũng đề nghị Central Group nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, dịch vụ logistics (xây dựng các trạm trung chuyển, kho chứa bảo quản hàng hóa, chuỗi cung ứng lạnh…), sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phía Central Group cũng trình bày kế hoạch sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại Thái Lan để tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan nhân dịp sự kiện Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Thái Lan tháng 11/2022. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh đề xuất của Central Group và đề nghị hai Bên phối hợp chặt chẽ để tuần hàng được tổ chức hiệu quả và thành công, thu hút khách quốc tế từ các nước APEC và các nước khác đến tìm hiểu, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Tuần hàng. Sau buổi làm việc, đoàn công tác Việt Nam đã tới thăm khu bày bán các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tại Trung tâm thương mại Central World, nghe Tập đoàn trình bày kết quả kinh doanh nhóm mặt hàng Việt Nam trong hệ thống phân phối của Central Retails. Đoàn cũng đã khảo sát vị trí và không gian phía Central Group dự kiến dành cho Việt Nam để xây dựng khu trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trong thời gian Tuần hàng.
Central Group là tập đoàn đa ngành của Thái Lan, tập trung vào lĩnh vực thương mại, bán lẻ, chăm sóc y tế, nghỉ dưỡng, nhà hàng, có hoạt động kinh doanh tại Đức, Thụy Sĩ, Italy, Đan Mạch, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Qatar, Oman, Maldives, Sri Lanka. Central Retail là tập đoàn bán lẻ đa mô hình, đa lĩnh vực tại Thái Lan, Việt Nam và Ý, hoạt động trong ba phân khúc kinh doanh chủ đạo là thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm. Một số chương trình Central Retails đã hợp tác với phía Việt Nam gồm: chương trình “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan” được tổ chức thường niên từ năm 2016; chuỗi các “Tuần lễ nông sản”, các chương trình đào tạo dành cho các nhà cung ứng, chương trình “Sinh kế cộng đồng” hỗ trợ các hộ nông dân địa phương...
Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong ASEAN. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. 03 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,4%./. |