Phục hồi chỉ số giá sản xuất
Số liệu mới nhất về tình hình kinh tế Trung Quốc do Cục Thống kê quốc gia nước này công bố cho thấy, trong tháng 5/2024, ngành dịch vụ, tiêu dùng và xuất nhập khẩu đều phục hồi, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, việc làm và giá cả ổn định, chuyển đổi và nâng cấp mô hình kinh tế tiếp tục được thúc đẩy, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tăng trưởng.
Phó Giáo sư Tần Thông, Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết: “Trong ngắn hạn, vấn đề khoảng cách ngày càng lớn giữa cung và cầu đã bị đảo ngược, điều này cũng phản ánh sự phục hồi của chỉ số giá sản xuất (PPI)”.
Số liệu cho thấy, chỉ số PPI trong tháng 5/2024 đã thay đổi từ mức giảm 0,2% của tháng 4/2024 thành mức tăng 0,2%, đảo ngược xu hướng giảm liên tục trong 6 tháng trước đó.
Ông Tần Thông cho rằng, chỉ số PPI tăng ngược trở lại, biên độ giảm thu hẹp hơn so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp trên quy mô được chỉ định trong tháng 4/2024 đã ngừng giảm và chuyển sang tăng so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp chế tạo có triển vọng tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy đầu tư.
Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn duy trì điểm sáng từ đầu năm. Ảnh: TTXVN |
Theo Phó Giáo sư, sự phục hồi của chỉ số PPI trong tháng 5/2024 bị tác động bởi các yếu tố như giá một số mặt hàng quốc tế tăng và sự cải thiện mối quan hệ cung-cầu trên thị trường sản phẩm công nghiệp nội địa. Số liệu cho thấy, cả giá dầu và giá quặng đồng quốc tế đều tăng mạnh trong quý II/2024.
Ông Lưu Ái Hoa, người phát ngôn và là Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay, trong giai đoạn tiếp theo, mặc dù giá hàng hóa quốc tế phổ biến vẫn còn có những biến động, nhưng do chính sách thay thế thiết bị với quy mô lớn trong nước và chính sách đổi hàng cũ lấy hàng mới dần dần có hiệu lực, sẽ có tác dụng trợ giá một số ngành. Đồng thời, khi bước vào giai đoạn “cao điểm mùa Hè”, nhu cầu về nhiệt điện tăng cao, giá than có thể sẽ tiếp tục tăng. Nhìn chung, giai đoạn sau, chỉ số PPI giảm với biên độ hẹp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu vẫn duy trì điểm sáng từ đầu năm. Tính theo đồng USD, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2024 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 302,35 tỷ USD, là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 4/2023, tốt hơn mức 5,7% mà Bloomberg dự đoán trước đó.
Ông Tần Thông phân tích, nguyên nhân khiến xuất khẩu tăng trưởng cao hơn dự kiến, trước hết là do các chỉ số cơ bản năm 2023 tương đối thấp; thứ hai là do ngành công nghiệp chế tạo toàn cầu phục hồi kích thích giá cả tiêu dùng tăng; thứ ba là do chính sách tăng thuế của Mỹ có hiệu lực vào tháng 8/2024, nên có thể sẽ xuất hiện sự cạnh tranh xuất khẩu giữa một số doanh nghiệp Trung Quốc.
Kinh tế tăng trưởng nhưng nhiều thách thức
Giới chuyên gia nhận định, trong năm 2023 và đầu năm 2024, kinh tế Trung Quốc về cơ bản đã hồi phục sau dịch bệnh, bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp ổn định, giá cả ở giai đoạn này giảm, cần phải cắt giảm lãi suất và dự trữ bắt buộc để duy trì thanh khoản hợp lý. Nếu rủi ro hoạt động của các ngân hàng thương mại tăng lên do biến động chênh lệch lãi suất thì có thể giải quyết bằng cách phát hành trái phiếu tài chính đặc biệt.
Ông Trương Vĩnh Quân, Tổng thư ký Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho biết: “Về mặt tài chính, chúng ta phải phát huy đầy đủ vai trò đòn bẩy của các quỹ tài chính, sử dụng đầu tư tài chính nhằm thu hút thêm các nguồn vốn xã hội hóa để tăng cường đầu tư”.
Theo ông Trương Vĩnh Quân, về mặt chính sách tiền tệ, Trung Quốc phải tập trung nâng cao hiệu quả chính sách, tăng cường sự phối hợp và nhất quán với chính sách tài khóa. Ông cho rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024. Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2024, sự thay đổi trong môi trường tài chính quốc tế sẽ giúp Trung Quốc có dư địa lớn hơn để giảm chi phí đầu tư tài chính.
Tuy nhiên, ông Đinh Sảng, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Ngân hàng Standard Chartered cảnh báo, trong quý I/2024, công suất khai thác của 4 ngành công nghiệp chính đã đạt mức thấp kỷ lục. Điều này không chỉ liên quan đến các ngành nghề truyền thống mà còn liên quan đến một số ngành công nghiệp mới nổi, cụ thể là ô tô, máy móc và thiết bị điện tử, thiết bị thông tin máy tính và khoáng sản phi kim loại. Đối với những ngành công nghiệp có công suất thấp, cần chú ý xem tốc độ đầu tư vào các ngành này có quá nhanh hay không.
Về xuất khẩu, xung đột thương mại tiếp tục diễn ra trong bối cảnh nguy cơ phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy. Môi trường thương mại toàn cầu hiện nay đang có những thay đổi sâu sắc, vấn đề an ninh đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc ra quyết sách của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, việc xem xét vấn đề an ninh có thể vượt qua sự tính toán lợi ích. Trong bối cảnh khó đoán định của môi trường ngoại thương ngày càng gia tăng, Trung Quốc nên kết hợp lợi thế về chuỗi cung ứng để tìm ra lối thoát mới trong cuộc đọ sức về cung ứng.