Nguồn vốn khuyến công tạo sức bật cho công nghiệp nông thôn Bình Định: Khuyến công làm cầu nối, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển |
Bến Tre là thủ phủ dừa của cả nước với diện tích hơn 78.000 ha, sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm khoảng 352 triệu trái dừa đạt khoảng 688.000 tấn. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đạt trên 420 triệu USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Đạt được những thành quả nổi bật trên, theo lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre là nhờ vào các chủ trương, định hướng đúng đắn, kịp thời của tỉnh, sự chung tay góp sức của các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp và người trồng dừa trên địa bàn tỉnh đã tham gia xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa tại địa phương.
Kiểm tra tình hình đầu tư máy móc thiết bị trước khi nghiệm thu đề án tại Công ty TNHH Dừa Tân Hội . Ảnh: Linh – TT KC&XTTM |
Trong đó, ngành Công Thương Bến Tre đã có những đóng góp quan trọng. Về mặt sản xuất, thông qua chương trình khuyến công, Sở Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ mới vào sản xuất, từ đó tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa giai đoạn 2023 – 2025” đang được triển khai. Hiện một số nội dung trong đề án điểm đã hoàn thành, nghiệm thu và ghi nhận hiệu quả bước đầu.
Cụ thể, nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tại Công ty TNHH Dừa Đỉnh Cao. Đây là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu về sản xuất chỉ xơ dừa tại huyện Bình Đại. Với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường, doanh nghiệp đã đầu tư thêm 1 hệ thống tuốt chỉ xơ dừa, công suất 8.600 vỏ dừa/giờ, giúp tăng sản lượng sản xuất đạt 90 tấn chỉ xơ dừa/tháng.
“Nhờ kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia năm 2023, đã giúp công ty mạnh dạn đầu tư thêm máy móc mới phục vụ cho quá trình sản xuất đạt hiệu quả”, ông Phan Hiếu Trung - Giám đốc Công ty TNHH Dừa Đỉnh Cao chia sẻ.
Theo ông Trung, hệ thống máy tuốt chỉ xơ dừa ngoài việc tăng sản lượng sản xuất, còn giúp công ty tạo ra sản phẩm đồng nhất, hạn chế đứt chỉ, kẹt chỉ như máy móc cũ, giúp tiết kiệm thời gian và nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, hệ thống còn giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, từ đó giảm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, đáp ứng kịp thời các đơn hàng còn tồn đọng.
Tương tự, đầu tháng 10/2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bến Tre đã tổ chức nghiệm thu đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tại Công ty TNHH Dừa Tân Hội.
Thực hiện đề án, doanh nghiệp đã đầu tư 4 máy se chỉ xơ dừa tự động 12 đầu để cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chỉ đơn. Đây là thiết bị dùng để se chỉ xơ dừa, được nâng cấp lên đến 12 đầu se tự động, giúp gia tăng công suất 30-50% so với máy móc cũ, tận dụng tối đa nguyên liệu đầu vào, giảm tỷ lệ hao hụt từ 30% chỉ còn 10%, đồng thời giúp quá trình se chỉ nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian, sản xuất ra sản phẩm đẹp, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Đại diện công ty cho biết, từ khi đưa máy mới vào hoạt động, đơn vị có đủ lượng hàng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách, tìm kiếm thêm được nhiều đối tác lớn do sản phẩm đạt chất lượng vượt trội hơn và đủ khả năng cung ứng với số lượng lớn.
Có thể thấy sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã giúp các cơ sở sản xuất sản phẩm từ dừa trên địa bàn tỉnh tăng doanh thu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thị trường được mở rộng. Từ đó, góp sức thức đẩy ngành dừa của Bến Tre phát triển.
Được biết, bên cạnh hỗ trợ về mặt sản xuất, ngành Công Thương Bến Tre đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu dừa thông qua việc hỗ trợ đăng ký tham dự các đoàn giao dịch thương mại tại các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Nam Phi, Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản... Qua đó, giúp doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ và làm việc với một số nhà phân phối lớn tại các thị trường nước ngoài nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ mở rộng thị trường trong nước cho các sản phẩm từ dừa.