Vĩnh Phúc: Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng Kỳ vọng tạo bước đột phá phát triển kinh tế cho vùng đất lịch sử, văn hoá Điện Biên |
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2 con số
2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toànngành công nghiệp của Điện Biên ước tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (tăng 7,83%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 9,46% (cùng kỳ năm 2023 giảm 22,69%); ngành chế biến, chế tạo tăng 18,65% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,1%); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,37% (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,93%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,36% (cùng kỳ năm 2023 tăng 4,39%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng của một số ngành cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất gường, tủ bàn ghế tăng 42,68%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 34,76%; sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 26,77%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 21,53%; dệt tăng 16,86%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ gường, tủ, bàn, ghế) tăng 15,72%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 15,07%; sản xuất đồ uống tăng 13,3%; sản xuất trang phục tăng 10,18%...
Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành giảm sâu so cùng kỳ năm trước: Khai thác than cứng và than non tạm ngừng sản xuất không có sản phẩm; khai khoáng quặng kim loại giảm 45,69%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 36,67%; sản xuất điện giảm 5,37%.
Sản xuất tại Công ty CP Xi măng Điện Biên. Ảnh Đức Thanh |
Một số sản phẩm công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng cao so cùng kỳ năm trước: Xi măng Portland đen tăng 24,13%; thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc trụ cột chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm tăng 14,69%; điện thương phẩm tăng 16,05%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 7,85%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: Than đá (than cứng) loại khác không có sản phẩm; sản phẩm in khác (quy khổ 13cm x19cm) giảm 37,93%; báo in (quy khổ 13cm x19cm) giảm 7,18%; điện sản xuất (thủy điện) giảm 8,08%; bàn bằng gỗ các loại giảm 8,7%.
Theo Cục Thống kê Điện Biên, chỉ số sản xuất công nghiệp của Điện Biên 2 tháng đầu năm 2024 có mức tăng cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên mức độ tăng giảm không đồng đều giữa các ngành, trong đó ngành công nghiệp chế biến luôn giữ được tốc độ tăng trưởng dương. Riêng sản phẩm xi măng Điện Biên là mặt hàng quan trọng, chiếm tỷ trọng cao và tác động lớn đến chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến nói riêng và toàn ngành công nghiệp nói chung.
Tập trung cho ngành công nghiệp thế mạnh
Công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục được xác định là thế mạnh của Điện Biên. Trong Chương trình hành động phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 địa phương ưu tiên phát triển cho nhóm ngành công nghiệp này.
Với ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, Điện Biên hướng tới xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cả về khối lượng, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, đảm bảo tính bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, du lịch và an ninh quốc phòng; kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, trên cơ sở khai thác có hiệu quả lực lượng lao động tại chỗ và các lợi thế khác để đáp ứng được cơ bản nhu cầu xây dựng trong tỉnh.
Phát huy tối đa công suất nhà máy xi măng Điện Biên, coi đây là sản phẩm quan trọng trong công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh; khuyến khích và chú trọng phát triển các chủng loại vật liệu mới, sản phẩm tấm lợp... đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong tỉnh, cung cấp cho một số tỉnh lân cận và một số tỉnh phía Bắc Lào.
Ngành chế biến nông sản hiện có vai trò quan trọng giúp phát triển kinh tế, thúc đẩy gia tăng cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ nhiều ngành dịch vụ khác phát triển. Do đó, Điện Biên chủ trương phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu như: Gạo tại huyện Điện Biên; vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên; vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; vùng chè Tủa Chùa; vùng Mắc Ca tại Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên... Thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ tiên tiến, quy mô sản xuất công nghiệp.
Khuyến khích sắp xếp các hộ chế biến từng bước chuyển thành một số cơ sở chế biến tập trung, hình thành các chuỗi liên kết để giải quyết việc xử lý môi trường và tăng chất lượng sản phẩm.
Gia tăng các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị của ngành đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và phục vụ du lịch, tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Từng bước sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Phát triển trên cơ sở gắn với liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa ngành công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.
Tập trung đầu tư phát triển một số sản phẩm chủ yếu: Chế biến chè; chế biến cà phê; xay xát gạo, ngô; chế biến Mắc Ca; thực phẩm chế biến (sản phẩm chế biến từ thịt, rượu đặc sản,...); chế biến thức ăn chăn nuôi; vật liệu xây dựng công nghiệp phân bón, hóa chất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu ra ngoài tỉnh.
Đồng thời khai thác tốt cơ cấu phân bố không gian các ngành công nghiệp, khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các vùng, hình thành được khu công nghiệp để liên kết phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.