Chọn kênh đầu tư trước áp lực lạm phát Áp lực lạm phát vẫn lớn |
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, tính đến thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 28% kế hoạch giải ngân vốn cả năm 2022 (20,5 tỷ USD). Dù thấp, nhưng đây là quy luật thường thấy trong giải ngân vốn đầu tư công qua các năm khi các chủ đầu tư/nhà thầu thường dồn khối lượng để thanh toán vào những tháng cuối năm. Nhìn vào số liệu giải ngân đầu tư công vài năm gần đây, giải ngân thường đạt 95-96% kế hoạch đặt ra, tương đương khoảng 14-15 tỷ USD.
TS Lê Duy Bình cho rằng, nếu năm 2022 cũng giống kịch bản những năm trước thì 6 tháng cuối năm, lượng tiền giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đưa vào nền kinh tế.
Lượng tiền giải ngân vốn đầu tư công đưa vào nền kinh tế những tháng cuối năm có thể gây áp lực lên lạm phát |
Cùng với nỗ lực gia tăng giải ngân vốn đầu tư công, các gói hỗ trợ sẽ làm cung tiền trong nền kinh tế tăng. Thêm vào đó, nhiều dự báo gần đây cho thấy, trong bối cảnh lạm phát leo cao ở nền kinh tế lớn nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục có động thái tăng lãi suất. Điều này sẽ tạo áp lực lên tiền đồng của Việt Nam, làm tăng chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu, tạo thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế.
Chia sẻ về thách thức tăng trưởng và lạm phát những tháng cuối năm, ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Tăng trưởng kinh tế thế giới trên đà suy giảm, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng tới. Trong khi đó, ở trong nước, áp lực lạm phát chi phí đẩy ngày một gia tăng, dư địa chính sách tiền tệ dần co hẹp giữa lúc tình hình tài chính thế giới đầy bất định, sức ép tỷ giá ngày một rõ nét, giải ngân đầu tư công chậm trễ và xuất khẩu gặp nhiều thách thức khi cầu thế giới yếu… Mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 trở nên rất thách thức.
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, hiện vòng quay tiền tệ đang ở thấp, nhưng dự kiến sẽ lên cao khi nguồn tiền từ chương trình hỗ trợ, đầu tư công được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Cộng thêm vòng quay đầu vào của xăng dầu sẽ khiến lạm phát càng tăng và có thể vượt mốc 5% như nhiều dự báo đưa ra.
Khó kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022 |
Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đại diện Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn, “đe dọa” đến khả năng hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Quốc hội đề ra.
Theo đó, để kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, trước hết cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung, đồng thời nghiên cứu giải pháp giảm thuế, chia sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm và các hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, vì mặt hàng này đang có dấu hiệu tăng giá trở lại. Trong khi đó, những tháng cuối năm, nhu cầu thịt lợn sẽ tăng cao, theo đó, các cơ quan trung ương và địa phương liên quan cần tăng cường kiểm soát khâu trung gian trên thị trường, nhằm ổn định giá mặt hàng này.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng như hiện nay, việc điều chỉnh giá dịch vụ theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn giảm học phí theo lộ trình sẽ khiến áp lực lạm phát gia tăng. Theo đó, các cơ quan liên quan nên đề xuất nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để điều chỉnh phù hợp và cũng không nên điều chỉnh nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý, hoặc nếu điều chỉnh năm nay hoặc năm sau thì cũng cần tính toán điều chỉnh giãn ra giữa các quy định, nhằm giảm áp lực lên lạm phát.
Để kiểm soát lạm phát, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác để kiểm soát được lạm phát như yêu cầu Quốc hội đề ra, đảm bảo đầy đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro về lạm phát.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để kiểm soát lạm phát, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.
Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính - tiền tệ và lạm phát.