Không nên chủ quan bởi áp lực lạm phát vẫn rất lớn Áp lực lạm phát tăng dần từ nay đến cuối năm |
Áp lực đến từ đâu?
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước 6 tháng đầu năm diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - phân tích: CPI 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021 do 4 nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm; giá gas tăng 25,92%, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng cao do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Giá gạo cũng tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu |
Ông Nguyễn Xuân Định - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - chia sẻ thêm, 6 tháng đầu năm, CPI của Việt Nam dù tăng cao, song mức tăng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không đáng ngại nếu so với các nước khác như Mỹ, Anh, châu Âu đều trên 8%. Điều này cho thấy sự phối hợp của các bộ, ngành trong công tác điều hành giá là nhịp nhàng, trơn tru.
Tuy nhiên, áp lực cho công tác điều hành giá đang tăng rất cao vào những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi giá xăng dầu vẫn được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Chưa kể đây cũng là đầu vào của các loại hàng hóa khác. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục dự báo sẽ tăng từ tháng 9, sau 1 năm dừng điều chỉnh do dịch Covid-19. Việc này sẽ tác động mạnh đến CPI quý IV và nửa đầu năm 2022.
Đảm bảo nguồn cung
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ, giá xăng dầu thời gian tới dự báo vẫn phụ thuộc diễn biến căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine và chính sách cấm vận của châu Âu với Nga.
Trước đó, vào ngày 22/6, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có cuộc làm việc với Bộ Tài chính xung quanh các kiến nghị liên quan đến thuế và chi phí. Hiệp hội đã có kiến nghị giảm thuế MFN từ 20% hiện nay xuống 10% hoặc 8% thay vì 12% như Bộ Tài chính đề xuất. Bên cạnh đó, giảm kịch khung thuế môi trường và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Phản hồi lại đề xuất này, ngày 30/6, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT để hạ giá xăng.
Về nguồn cung, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, hiện nay, tập đoàn đã chủ động nhập khẩu xăng dầu từ các nước nhằm đa dạng nguồn cung.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - chia sẻ, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho tiêu dùng trong nước là mục tiêu mà Bộ Công Thương đề ra và quyết tâm thực hiện. Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện đã chạy hơn 100% công suất; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp và các đơn vị tăng cường nguồn cung. Trên cơ sở cam kết của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ chuẩn bị sẵn các kịch bản, bằng mọi cách đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ nay đến cuối năm.
Bộ Công Thương đã, đang và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước, đa dạng nguồn cung cho người tiêu dùng.