Tốc độ tăng trưởng ngoại thương nhanh nhất khu vực ASEAN
Bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, nhưng tăng trưởng ngoại thương của Việt Nam trong 2 năm (2020-2021) vẫn vô cùng ấn tượng. Đặc biệt là năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt 670 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Duy Bình kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng ngoại thương năm 2022 |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam - cho rằng: Với mức tăng trưởng này, Việt Nam là một trong những điểm sáng toàn cầu về tốc độ tăng trưởng ngoại thương, còn về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam cũng được đánh giá có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực ASEAN, thậm chí so với các nước khu vực Đông Á hay châu Á - Thái Bình Dương thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng khá tích cực.
4 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế thế giới có những thay đổi mới, khiến giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất. Cùng với đó, tình hình lạm phát tăng cao ở một số quốc gia cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu, nhưng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt 242,19 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,4% và nhập khẩu tăng 15,7%.
“Kết quả tăng trưởng ngoại thương nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm phản ánh năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam vẫn được duy trì và thích ứng với nhu cầu hàng hóa của các thị trường nhập khẩu, trong đó bao gồm cả các thị trường nhập khẩu lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu và các nước khác” – ông Lê Duy Bình khẳng định.
Cũng theo ông Lê Duy Bình, thành công của Việt Nam trong mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài sự chỉ đạo của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan… thông qua các chức năng, nhiệm vụ của mình đã có những giải pháp, hành động cụ thể xúc tiến xuất khẩu, thì cũng thể hiện vai trò rất lớn của Bộ Công Thương trong việc khơi thông thị trường, và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới thông qua các chính sách và cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo lạc quan trong năm 2022 |
Lạc quan với kim ngạch xuất khẩu năm 2022
Đầu năm 2022, tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, cùng với đó cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng tác động đến giá cả hàng hóa và các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy, kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm vẫn khá tích cực.
“Nếu tốc độ đó vẫn được duy trì trong những tháng tới, thì Việt Nam có thể lạc quan với tăng trưởng xuất khẩu năm 2022” - ông Lê Duy Bình thông tin.
Đặc biệt, ông Lê Duy Bình cho rằng, với những gì đang diễn ra trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc do quốc gia này thực hiện chiến lược Zero Covid-19 có thể đã và sẽ gây ra một loạt rủi ro khiến giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới tăng cao, thiếu nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất, các sản phẩm xuất khẩu do đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong “gian nguy luôn xuất hiện những cơ hội”, bên cạnh những thách thức cũng tạo ra những cơ hội, “cú huých” mới giúp cho Việt Nam trong tăng trưởng xuất khẩu.
“Bên cạnh những mặt hàng chế biến, chế tạo thì chúng ta cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa thiết yếu, như: Lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày.... Đây là những mặt hàng hóa thiết yếu, thế giới đang có nhu cầu rất lớn”, Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình thông tin thêm.
Cơ hội như vậy, song chúng ta cũng không được chủ quan, bởi đánh giá về tình hình thực tế cho thấy, nguy cơ giảm tốc về tăng trưởng kinh tế của một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu. Đặc biệt, thời gian qua, một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam đã có một số động thái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao.
Như vậy có nghĩa, các quốc gia này đã hy sinh tăng trưởng để kiểm soát lạm phát thông qua tăng lãi suất, khiến tiêu dùng của người dân trong nước sẽ hạn chế, điều đó có thể ảnh hưởng đến yêu cầu đối với tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần tỉnh táo với những nguy cơ để có phương án điều hành hiệu quả trong thời gian tới.
Để gia tăng xuất khẩu trong năm 2022, bên cạnh những chính sách hỗ trợ đã thực hiện thời gian qua, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình khuyến nghị, Bộ Công Thương nên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn nữa trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, và thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp được thuận lợi.
Bởi vì dù đã được cải thiện tích cực, nhưng Bộ Công Thương vẫn còn dư địa để tiếp tục cải cách, nếu làm được như vậy, thì hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tạo ra kết quả tích cực trong năm nay và những năm tới.