Thương mại điện tử đang len lỏi mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế
Tại Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/8, PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9 nghìn chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19.
Từ tốc độ tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử, theo ông Tuấn, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.
Thương mại điện tử đang có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế số |
Chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành cũng nhìn nhận, thương mại điện tử đã được đề cập từ lâu nhưng kinh tế số của Việt Nam cũng chỉ mới phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.
"Ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam, dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Đồng thời, thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố"- ông Thành chỉ rõ.
Theo TS Võ Trí Thành, nếu so sánh với GDP, chúng ta thường nhắc đến 2 con số. Con số thứ nhất là giá trị gia tăng mà kinh tế số, thương mại điện tử tạo ra được và đóng góp cho GDP. Quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu của chúng ta là chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy tốc độ đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình GDP của Việt Nam.
Phát triển thương mại điện tử bền vững
Đến nay, chúng ta đã đi gần hết quãng đường thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 - giai đoạn đầu của Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho chặng đường 5 năm, 10 năm tiếp theo là tầm nhìn cho định hướng phát triển thương mại điện tử bền vững, tận dụng các cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến, cũng như tạo ra những động lực phát triển mới cho kinh tế số.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nêu ý kiến, để thực hiện mục tiêu trên, phải hoá giải các thách thức, điểm nghẽn nhằm khơi thông dòng chảy cho hoạt động thương mại điện tử cũng như hàng hoá. Một trong những giải pháp chính là phải có các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho lĩnh vực này hoạt động. Trong đó, cần thiết phải tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế xử lý các tranh chấp, cũng như khuyến khích sáng tạo, mô hình kinh doanh mới...
Shopee hiện tại là sàn thương mại điện tử phục vụ thị trường Đông Nam Á, Nam Mỹ. Riêng ở thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này đã có mặt từ năm 2015, cùng thời điểm với một số nước khác. Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, trong quá trình tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, Shopee đã và đang có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp này tiếp cận với thương mại điện tử một cách dễ dàng hơn, như có những chương trình huấn luyện, giúp tiếp cận những công nghệ mới, thị trường mới như livestream, dùng những người nổi tiếng để quảng bá…
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, trong những cuộc khảo sát thị trường, Shopee nhận thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam có một số thử thách về tiếp cận thị trường thương mại điện tử; xu hướng thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng. Vì thế, phải có cơ chế hỗ trợ, có những điều chỉnh về chính sách để cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn, bền vững hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Nhận định tiềm năng, dư địa phát triển thương mại điện tử còn rộng lớn, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử đang là lĩnh vực có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khu vực với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí họ có thể phát triển bình đẳng với doanh nghiệp lớn.
Thời gian qua, theo bà Lại Việt Anh, với sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương giúp nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng, chuỗi liên kết để thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực, trung tâm kinh tế lớn với vùng sâu, vùng xa. "Đặc biệt Chính phủ, các Bộ, ngành luôn luôn nỗ lực và hướng tới xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng lành mạnh và bền vững" - bà Lại Việt Anh nói.
Tới đây, để tạo đột phá cho thương mại điện tử, một trong những vấn đề quan trọng bà Lại Việt Anh nêu đó là cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối, dịch vụ logictics. Đây là những việc Bộ Công Thương đã làm trong giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới. Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được những địa phương nào có những ưu thế về hàng hoá, logictics.
Bên cạnh đó, theo bà Lại Việt Anh, định hướng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ đó là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế; trong đó xây dựng những giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung. Ngoài ra, thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường.