Tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, tăng uy tín cho doanh nghiệp trong thương mại điện tử Hàng nghìn sinh viên "thực chiến" kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử |
Chiều 26/12, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng đại diện tại Khánh Hòa (VCCI Khánh Hòa) tổ chức tổng kết khóa đào tạo về tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), bán hàng đa kênh... với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành và hơn 40 doanh nghiệp.
Tại khóa đào tạo, các doanh nghiệp được chuyên gia "chỉ" nghệ thuật bán hàng “trao yêu thương”, mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp (KOL – KOC) trên nền tảng mạng xã hội...
ThS. Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn trao đổi với đại diện doanh nghiệp |
Ông Đào Tấn Lợi - đại diện Công ty CP Hoàng Phát Cargo chia sẻ, do quy mô vốn nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp thách thức trong việc mở rộng cơ hội kinh doanh, nhất là việc áp dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử... khó cạnh tranh với các 'ông lớn' vốn đã có chỗ đứng đáng kể trong con mắt người tiêu dùng.
Theo TS. Vũ Việt Anh - Trưởng làng MarTech (Techfest Việt Nam), câu chuyện doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà không mới, nhưng đó là do doanh nghiệp xuất phát chậm hơn với đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trưởng làng MarTech cho rằng, để doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cần quy trình từ truyền thông, bán hàng, marketing mới giúp cho doanh nghiệp tồn tại và “sống sót” trước khi phát triển thành kỳ lân. Với sự phát triển của công nghệ, các giải pháp marketing miễn phí trực tuyến phổ biến hơn nên ngay cả lúc kinh tế khó khăn, doanh nghiệp vẫn có thể xây dựng bản kế hoạch tiếp thị trực tuyến cho sản phẩm như tạo bộ nhận diện thương hiệu bằng AI, viết content - tạo video bằng AI,...
"Nếu không có ai biết đến thương hiệu thì sản phẩm của doanh nghiệp đã thất bại" - TS. Vũ Việt Anh nhấn mạnh và dẫn ví dụ thành công của Starbucks, cho rằng câu chuyện thành công là cải thiện trải nghiệm khách hàng, đưa kèm giá trị bên cạnh chất lượng sản phẩm. "Quan trọng nhất là thay đổi tư duy của người dẫn đầu, chấp nhận ứng dụng các công nghệ mới để phát triển".
ThS. Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn nhìn nhận, bên cạnh yếu tố môi trường kinh doanh, doanh nghiệp cần có cố vấn hỗ trợ giải quyết tốt bài toán phát triển khách hàng và quản trị doanh nghiệp. Một trong những cách để doanh nghiệp vượt khó khi không có cố vấn đó là 'đi cùng nhau', bằng cách tham gia các hội, nhóm như: Hội doanh nhân trẻ, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa,... hoặc tự các doanh nghiệp tạo ra cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau các vấn đề liên quan.
Đặc biệt, tự bản thân các doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần trau dồi năng lực, tìm hiểu, học hỏi, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đổi mới quản lý thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn để sản phẩm có được sức cạnh tranh trên thị trường.
Bà Đặng Thị Thu Nguyệt – Trưởng Đại diện VCCI Khánh Hòa cho biết, khóa đào tạo này nhằm thực thi nhiệm vụ đề án 844 giai đoạn 2023 - 2024 cho 13 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Bộ Khoa học Công nghệ.
Cũng tại chương trình, VCCI Khánh Hòa đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Làng công nghệ Martech - Học viện Thành Công và Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (SHi) về các giải pháp nền tảng số toàn diện trong tiếp thị truyền thông và bán hàng thương mại điện tử…; chương trình đào tạo cho SMEs, Tổng công ty và Startups. Ngoài ra, ký kết MOU giữa SHi, Làng công nghệ MarTech - Học viện Thành Công với các doanh nghiệp cần chuyển giao giải pháp đổi mới sáng tạo. |