Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thị trường trong nước; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Công Thương địa phương; Cục Công nghiệp;…Cùng tham gia với đoàn công tác còn có Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; đại diện lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam...
Về phía tỉnh Bắc Kạn có ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; ông Đinh Quang Tuyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn; cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đồng chủ trì tại buổi làm việc |
Khai thác tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, cầu thị của UBND tỉnh Bắc Kạn trong việc chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn công tác.
Theo Bộ trưởng, Bắc Kạn là một vùng đất có lịch sử lâu đời gắn liền với nhà nước Văn Lang. Trong cuộc Kháng chiến thực dân Pháp, nơi đây được xem như "Thủ đô gió ngàn", "Thủ đô kháng chiến" của đất nước với truyền thống cách mạng kiên cường.
Là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc của Tổ quốc; diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn; tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (gần 74%), Bắc Kạn có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến nông, lâm sản và phát triển du lịch sinh thái…
Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, phong cảnh, truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời… để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Đặc biệt 7 tháng đầu năm nay, các chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước và cơ bản cao hơn mức tăng chung của cả nước; nổi bật là: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 10% (cả nước tăng 7,7%), đứng thứ 6 trong Vùng và thứ 24 cả nước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh tăng 12,1% (cả nước tăng 8,6%); Xuất khẩu tăng 50,4%, gấp gần 6 lần bình quân chung cả nước (cả nước tăng 14,9%), đứng thứ 2 trong Vùng và thứ 7 cả nước về tốc độ tăng trưởng...
"Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, đặc biệt là tình hình thời tiết, khí hậu bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất, khai thác vùng nguyên liệu cho các dự án công nghiệp của tỉnh, những kết quả nêu trên là rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương của tỉnh còn có những hạn chế, khó khăn cần tập trung khắc phục, đó là: Sản xuất công nghiệp tuy có tăng về tốc độ nhưng quy mô còn nhỏ, tỷ trọng trong GRDP thấp (chỉ chiếm hơn 10%);
Đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp có công nghệ, dây chuyền, máy móc thiết bị còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp, một số sản phẩm công nghiệp mới dừng lại ở dạng bán thành phẩm như ván thanh, tinh quặng...
Xuất khẩu tuy có tỷ lệ tăng trưởng rất cao, nhưng về giá trị tuyệt đối còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm gần 0,01% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước); Hạ tầng thương mại và hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn.
5 nhóm giải pháp trọng tâm tạo động lực mới cho Bắc Kạn
Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh đã đề ra thời gian tới, dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Bắc Kạn chú trọng triển khai một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo; nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định về giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Các quy định mới về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; Đặc biệt là các chính sách mới trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, Chiến lược phát triển Hydrogen..., tạo động lực và dư địa phát triển kinh tế địa phương.
Thứ hai, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 3/11/2023). Về nguyên tắc Quy hoạch tỉnh đã được tích hợp với QH tổng thể quốc gia và các Quy hoạch ngành ban hành trước đó. Tuy nhiên, Quy hoạch Vùng mới được phê duyệt tháng 5/2024 và nhiều Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt cùng thời điểm hoặc sau khi Quy hoạch của Tỉnh được phê duyệt, cho nên, chắc chắn là có những nội dung chưa được cập nhật một cách đầy đủ, đồng bộ.
Vì vậy, tỉnh cần chủ động rà soát, cập nhật và đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với Quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở giải pháp để Bắc Kạn trở thành trung tâm chế biến nông sản, dược liệu, sản phẩm gỗ của Vùng |
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được QH 03 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 370MW; 9 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 47,3MW; 1MW điện rác; 3MW điện mặt trời mái nhà; 50MW điện sinh khối; 2 dự án lưới điện và 77 điểm mỏ khoáng sản (chì, kẽm, sắt, vàng, đá hoa trắng, thạch anh, nước khoáng); 3 dự án nhà máy luyện kim chì, kẽm.
"Đến nay tỉnh đã có đầy đủ cơ sở để triển khai các dự án trên nên cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ tư, tập trung thu hút đầu tư phát triển điện gió, điện sinh khối, thuỷ điện tích năng phù hợp tiềm năng, lợi thế của tỉnh và điều kiện tự nhiên về địa hình, khí hậu; nghiên cứu, phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước tại những địa điểm, khu vực phù hợp với định hướng của Quy hoạch điện VIII.
Khai thác, chế biến sâu, chế biến tinh các khoáng sản có giá trị kinh tế là lợi thế của tỉnh gồm: Quặng sắt, sắt mangan, quặng chì, kẽm,… bảo đảm phù hợp Quyết định số 866 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên sản xuất vật liệu không nung, vật liệu mới thân thiện với môi trường từ nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Chú trọng rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; thúc đẩy đầu tư công để dẫn dắt, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh;
Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định, thủ tục, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào tỉnh.
Phát huy thế mạnh là địa phương tuyến hai (giáp với các tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn), hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, tỉnh cần chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, lắp ráp thiết bị, sản phẩm tái chế, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần, logistics phục vụ xuất khẩu, cũng như kết nối với các trung tâm công nghiệp lớn của Vùng, nhất là Thái Nguyên. Ưu tiên chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu có sẵn trên địa bàn tỉnh như nông, lâm sản và kim loại màu. Thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực may mặc, da giầy, gia công xuất khẩu, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương.
Đồng thời, tỉnh cần tập trung khai thác tốt thế mạnh của địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước để hình thành và phát triển thị trường mua bán tín chỉ Carbon giúp các doanh nghiệp trong tỉnh, trong Vùng có chứng chỉ xanh cho sản xuất và xuất khẩu (Đây là lợi thế riêng có của Bắc Kan, cần cố gắng làm càng nhanh càng tốt).
Đặt biệt, tỉnh cần tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, phù hợp với lợi thế của địa phương như: Sản xuất chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ khác nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Lựa chọn để tập trung phát triển một số sản phẩm chế biến chủ lực, gắn với phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, hiệu quả, phát triển theo chuỗi giá trị, góp phần xây dựng Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và các sản phẩm gỗ của Vùng. Chú trọng phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng và nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham quan xưởng sản xuất gỗ ván ép của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam. |
Tư lệnh ngành Công Thương lưu ý, trong định hướng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh cần lưu ý đến quy định chống phá rừng của châu Âu, sẽ áp dụng với nhà nhập khẩu lớn từ tháng 1/2025 và doanh nghiệp nhỏ từ tháng 6/2025. Theo đó châu Âu sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng thuộc 7 nhóm hàng nông sản gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Vì vậy sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, dược phẩm, đồ gỗ của tỉnh Bắc Kạn.
Thứ năm, đề nghị tỉnh chú trọng rà soát Quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất đạt chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa ở cả thị trường trong và ngoài nước; triển khai có hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng.
Phát triển đa dạng các loại hình thương mại, phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng miền, địa phương (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử); Đẩy mạnh phát triển thương mại gắn với du lịch, xem đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ hiệu quả nhất.
Quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm đặc trưng của địa phương và tích cực hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với 13 kiến nghị, thuộc các lĩnh vực năng lượng, phát triển công nghiệp, khoáng sản và thương mại, đại diện các đơn vị tham gia Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh.
Sau hội nghị này, Bộ sẽ ban hành Thông báo kết luận chính thức, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị để giải đáp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.
Về Nhà máy luyện kim phi cốc (nhà máy sắt xốp) tại KCN Thanh Bình do Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim) làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là đại diện cổ đông chi phối bỏ hoang gần 10 năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu hạn đến hết quý III/2024 các đơn vị liên quan phải có báo cáo về phương án xử lý.
Ngoài ra, có một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn |
Sau khi nghe các đơn vị thuộc Bộ trao đổi các vấn đề, thay mặt địa phương, ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc về sự quan tâm, hỗ trợ quan trọng của Bộ Công Thương và các đơn vị, doanh nghiệp đối với tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn, thời gian tới đồng chí Bộ trưởng và Bộ Công Thương ủng hộ các kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn trên các diễn đàn Chính phủ và Quốc hội.
Về phía tỉnh, ông Hoàng Duy Chinh khẳng định sẽ tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, đề nghị các Sở ngành liên quan thời gian tới quan tâm triển khai thực hiện các vấn đề đã được gợi mở tại buổi làm việc, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương hơn nữa, đặc biệt là trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch ngành Quốc gia một cách hiệu quả nhất.
"Chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Bắc Kạn, đồng thời cũng rất mong muốn thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đến đầu tư tại tỉnh. Tỉnh ủy, chính quyền và nhân dân Bắc Kạn luôn chào đón và cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp các điều kiện tốt nhất để hai bên hợp tác thành công", ông Hoàng Duy Chính nhấn mạnh.