Kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
Tin hoạt động 05/08/2022 15:01
Nhiều kết quả tích cực từ kết nối giao thương
Tại chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng Bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 5/8 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, mỗi năm Đồng Tháp cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến trên 3 triệu tấn lúa, 500 ngàn tấn cá tra, hơn 400 ngàn tấn trái cây… và nhiều loại nông sản chế biến khác.
Trong những năm qua, thông qua các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, các sản phẩm nông sản của Đồng Tháp đã có mặt tại các siêu thị như Co.opmart, Big C, Satra, Lotte, Aeon, Vinmart, MM Mega martket,…; 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao được quảng bá chính thức trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Voso, Sendo, Postmart. Trên thị trường thế giới, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc,…hàng hóa của Đồng Tháp đều tiếp cận được.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham quan gian hàng tỉnh Đồng Tháp tại chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng Đồng Bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. |
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Dũng, hiện Đồng Tháp đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến làm ngành chủ lực. do đó, việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế địa phương.
Đánh giá về kết quả của các chương trình xúc tiến thương mại trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào các thị trường truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng lên.
“Các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại giúp giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế. Đồng thời cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh thành phố khu vực phía Nam, rộng hơn là toàn quốc thông qua Sở Công Thương, các trung tâm xúc tiến thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài, hệ thống thương vụ tiếp tục tổ chức cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Ngoài việc mời doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam giao thương ở nước ngoài, giới thiệu trực tiếp sản phẩm thì chúng ta cũng mời các đoàn mua hàng nước ngoài đến Việt Nam để tăng cường kết nối thông tin thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhờ hoạt động kết nố giao thương, xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam đã được đưa tới nhiều thị trường khó tính |
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, việc triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân, đồng thời hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương kết nối với các doanh nghiệp chế biến, thu mua xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, qua đó các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam sẽ dần dần thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế.
Nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU Tiến sĩ Arjen Roem - Phó Chủ tịch Bộ phận Kinh doanh Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra một kỷ nguyên mới cho thương mại giữa EU và Việt Nam thông qua việc bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường cho nhau. Năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã tăng 14%. Với đà tăng trưởng này, Châu Âu hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm 14% tổng doanh thu xuất khẩu của các mặt hàng nông sản chính. Những nông sản hàng đầu nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2021 là trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị tươi và khô… Trong bối cảnh xung đột giữa Nga – Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết, các nước Châu Âu (EU) cần phải có một nguồn cung cấp ngũ cốc và nông sản thay thế. Do đó, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thay thế các mặt hàng từ Nga. “Việt Nam cần phải tận dụng triệt để hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm tới EU với mức thuế là 0% theo Hiệp định EVFTA. Vào năm 2021, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu 60.000 tấn gạo tới thị trường EU. Đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản khác tới thị trường EU”, Tiến sĩ Arjen Roem nhấn mạnh. |