Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên vừa diễn ra, các doanh nghiệp FDI đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa. Trong số đó, 3 ý kiến đề xuất của đại diện Intel Việt Nam đã thu hút sự chú ý đặc biệt.
3 đề xuất từ Intel
Ông Phùng Việt Thắng, đại diện Intel Việt Nam đã đưa ra 3 ý kiến đóng góp trong việc hợp tác giữa công ty và Chính phủ Việt Nam. Đầu tiên, ông Thắng đã nhấn mạnh về việc xây dựng nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn và phát triển AI tại Việt Nam. Ông Thắng kêu gọi sự hợp tác của các nguồn nhân lực bên ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia và nguồn nhân lực của Việt Nam ở nước ngoài, để thúc đẩy việc xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn một cách nhanh chóng hơn.
Công ty Intel Việt Nam |
Cũng tại hội nghị này, ông Thắng cho biết hiện Intel đã khởi động chương trình đào tạo nhân sự ngành AI tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên để phát triển nhanh hơn, ông Thắng đề xuất Việt Nam nên quan tâm đến Đạo luật CHIPS and Science Act của Hoa Kỳ như một nguồn lực quan trọng để hỗ trợ Việt Nam trong việc cung cấp nguồn lực cho công nghiệp bán dẫn.
Đề xuất thứ hai của ông Thắng liên quan đến việc xây dựng các trung tâm dữ liệu thế hệ mới (Data Center) và hạ tầng 5G tại Việt Nam để thúc đẩy phát triển AI. Cuối cùng, ông Thắng đã đề cập đến việc Việt Nam đã bắt đầu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và mong muốn thấy các biện pháp cụ thể, trực tiếp và mạnh mẽ để các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi việc này.
Trước các ý kiến đóng góp, đại diện các bộ, ngành đã tiếp thu và cho biết sẽ triển khai, xử lý hiệu quả các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm và là chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật trong thời gian tới.
Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ ngành công nghiệp bán dẫn?
Việt Nam từ nước nhập khẩu sang xuất khẩu chip |
Thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 573,44 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022 lên 1.380,79 tỷ đô la Mỹ vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm phức hợp (CAGR) là 12,2% trong giai đoạn dự báo (2022-2029). Sự tăng trưởng của thị trường này được gắn liền với sự tăng cường tiêu dùng các thiết bị điện tử tiêu dùng trên toàn cầu.
Sự phát triển của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT) và học máy (ML) đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành công nghiệp bán dẫn. Các công nghệ này giúp các chip nhớ xử lý lượng dữ liệu lớn trong thời gian ít hơn. Ngoài ra, nhu cầu tăng lên đối với các chip nhớ nhanh và tiên tiến trong các ứng dụng công nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong thời gian dự báo.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đang trên đà phát triển. Dự kiến, doanh thu từ thị trường bán dẫn của Việt Nam sẽ đạt 19,89 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024. Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn còn kém so với các nước Đông Nam Á khác do nguồn cung cấp mạch tích hợp (IC) hạn chế, nhưng về mặt thiết kế đã phát triển mạnh mẽ với khoảng 20 công ty cung cấp dịch vụ thiết kế sản phẩm.
Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu vào Mỹ và xét về doanh số, Việt Nam hiện đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) trong xuất khẩu chip bán dẫn sang Hoa Kỳ.
Đặc biệt, đã có con chip 100% do người Việt Nam làm chủ từ khâu thiết kế cho tới những khâu cuối cùng, được ra đời ngay tại Việt Nam. Đến nay, đã có 70 triệu con chip như vậy xuất hiện trên các thiết bị thông minh toàn cầu.