Kinh tế Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong trung hạn Nhận diện tăng trưởng kinh tế dưới góc nhìn tốc độ và chất lượng Kinh tế Việt Nam: Nắm bắt thời cơ, tạo động lực tăng trưởng |
Chiều 29/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại 3 tháng đầu năm 2024.
Theo Bộ Công Thương, trong quý I năm 2024, Việt Nam xuất siêu khoảng 8,08 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%.