Sớm đưa vào vận hành hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử Quyền sở hữu công nghiệp: “Bảo bối” để cạnh tranh Ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp |
Xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng
Chia sẻ tại Tọa đàm “Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ” được tổ chức ngày 26/1, ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và các địa phương.
Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại tọa đàm |
Đáng chú ý, năm 2023, lượng xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng khá cao (8,5%); kết quả xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 13,2% so với năm 2022.
Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022), bao gồm 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,5%) và 71.660 các loại đơn/yêu cầu khác (tăng 14,1%), trong đó đơn sáng chế tăng 10,6%, kiểu dáng công nghiệp tăng 11,8%.
Cục xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó có: 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%); cấp 36.977 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại (giảm 12,5% so với năm 2022).
Bên cạnh đó, phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được Cục quan tâm, thúc đẩy triển khai trong năm 2023 với các nội dung chính là hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp thông qua việc cấp 202 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 7 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Cục Sở hữu trí tuệ đã tích cực tham gia có ý kiến nhằm đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp thúc đẩy công tác phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng và kế hoạch thực hiện của Chính phủ.
Đặc biệt, tích cực tham gia triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam…
Mặt khác, công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ được duy trì và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, của Bộ Khoa học và Công nghệ nói chung và của Cục nói riêng.
Năm 2023, Cục tiếp tham gia đàm phán nội dung sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; và chủ trì xây dựng phương án đàm phán các văn kiện về nguồn gen, tri thức truyền thống và các hình thức biểu đạt của văn hóa dân gian trong khuôn khổ WIPO/IGC.
Cục cũng tổ chức/tham gia các buổi làm việc trong nhóm công tác của các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA…; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ cho Ban Thư ký WTO và các đối tác thương mại; thực hiện rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định để thực hiện cam kết với các đối tác.
Công tác đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ năm 2023 đã được triển khai một cách tích cực, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, phần nào đáp ứng được nhu cầu của hệ thống và xã hội, góp phần quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ
Tăng cường hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài
Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp theo hướng tối ưu hóa quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác xử lý đơn.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến năm 2027 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; đảm bảo hoàn thành số lượng đơn sở hữu công nghiệp được giao xử lý trong kế hoạch năm 2024.
Đồng thời, chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành hiệu quả nội dung sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực quốc tế nhằm triển khai có hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ, Chiến lược sở hữu trí tuệ và nâng cao năng lực của Cục.
Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đăng ký sở hữu công nghiệp của các cá nhân, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức thành công các sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng (đón Tổng Giám đốc WIPO và Cuộc họp AWGIPC lần thứ 72).
Mặt khác, tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Cục. Hoàn thành triển khai Dự án Hiện đại hóa Hệ thống công nghệ thông tin, Phần mềm dịch vụ công trực tuyến và phần mềm tra cứu phục vụ thẩm định đơn; xây dựng, mua sắm mới trang thiết bị và vận hành ổn định hạ tầng công nghệ thông tin (trang thiết bị, phần cứng, phần mềm ứng dụng) nhằm đảm bảo yêu cầu công việc của Cục; đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng lại cơ sở dữ liệu của Cục, cấu trúc cơ sở dữ liệu mới cho các Trung tâm thẩm định.
Ngoài ra, tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển tài sản trí tuệ; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và các Chương trình quốc gia khác, ưu tiên việc xem xét hỗ trợ các địa phương, chương trình hợp tác giữa Bộ với các tỉnh, và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp.