Chia sẻ về công tác tiếp nhận, xử lý các loại đơn sở hữu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết, năm 2021, Cục đã tiếp nhận 131.440 đơn các loại (tăng 4,6% so với năm 2020), bao gồm 75.410 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN và 56.030 các loại đơn và yêu cầu khác.
Doanh nghiệp cần nâng cao việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả ở trong nước và nước ngoài |
Theo đó, Cục đã xử lý được 121.422 đơn các loại, trong đó có 74.559 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 3,8% so với năm 2020) và 46.863 đơn/yêu cầu khác (tăng 12,5% so với năm 2020); cấp 39.056 đối tượng văn bằng bảo hộ SHCN các loại (giảm 3,3% so với năm 2020).
“Để đẩy nhanh công tác xử lý đơn, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng và phê duyệt “Giải pháp giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký nhãn hiệu” và “Giải pháp xử lý đơn đăng ký sáng chế giai đoạn 2021-2025” để bắt đầu thực hiện từ năm 2022” - ông Nguyễn Văn Bảy cho hay.
Ngoài ra, Cục cũng đã triển khai xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các Quy chế thẩm định các đối tượng SHCN theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút bớt quy trình, đẩy mạnh phân cấp, phần quyền trong việc xử lý đơn. Đến nay, dự thảo các Quy chế đã cơ bản hoàn thiện để ban hành, áp dụng từ năm 2022.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bảy, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền SHCN nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2021, cả nước đã có 1.109 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là 13.294.029.000 đồng và gần 300.000 sản phẩm bị xử lý, giảm 55% về số vụ và 38% tổng số tiền phạt so với năm 2020 (2.457 vụ với tổng số tiền phạt là 21.533.347.000 đồng).
Ngoài ra, trong năm 2021, đã có hơn 3.000 lượt cá nhân, tổ chức được tư vấn, hướng dẫn về SHCN trong đó có 2.825 lượt về nhãn hiệu, 112 lượt về kiểu dáng công nghiệp, 67 lượt về sáng chế và hàng trăm lượt về các đối tượng khác. Một số địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác này như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thái Nguyên…
Ông Nguyễn Văn Bảy cho rằng, trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách.
Để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về SHCN đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHCN; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về SHCN ở cả trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế; tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài; đặc biệt, triển khai thành công Dự án Nâng cao năng lực thẩm định đơn SHCN do JICA (Nhật Bản) tài trợ.