Xử lý hơn 100.000 đơn sở hữu công nghiệp
Ông Đinh Hữu Phí cho biết, năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 108.374 đơn sở hữu công nghiệp các loại (tăng 5,9% so với năm 2017), bao gồm: 63.617 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,1% so với năm 2017) và 44.757 đơn khác.
Cục cũng đã xử lý được 79.634 đơn các loại, trong đó có 42.867 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 9,2% so với năm 2017) và 36.776 đơn/yêu cầu các loại khác. Đồng thời, cấp văn bằng bảo hộ cho 29.040 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 2,6% so với năm 2017).
Bên cạnh đó, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các đặc sản địa phương. Cụ thể, đã cấp 199 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 9 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2010, Cục đang hỗ trợ triển khai 45 dự án phát triển tài sản trí tuệ cho các bộ, ngành và doanh nghiệp; hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn và cà phê Buôn Mê Thuột; tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện đơn đăng ký sáng chế cho 41 giải pháp kỹ thuật của các nhà sáng chế Việt Nam…
Những số liệu trên là minh chứng sống động không chỉ cho thấy những nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian qua mà còn phản ánh nhận thức về sở hữu trí tuệ đang ngày càng tăng lên. Bởi phát triển tài sản trí tuệ là một yếu tố quan trọng, then chốt, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Nếu chúng ta biết khai thác, phát triển tài sản trí tuệ thì khả năng kiến tạo những sản phẩm trí tuệ cao hơn sẽ là nguồn động lực phát triển cho quốc gia.
Từng bước vận hành hệ thống WIPO IPAS
Trong năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng Mạng lưới các trung tâm phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và Quy chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xử lý đơn sở hữu công nghiệp, trong đó ưu tiên các đơn sáng chế, nhãn hiệu và đơn khiếu nại tồn sâu, cũng như đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam để triển khai các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và của Bộ Khoa học và Công nghệ; thực hiện xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá thẩm định đơn sở hữu công nghiệp.
Đặc biệt, triển khai tốt và đầy đủ Dự án Phát triển hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử (WIPO IPAS), cũng như các công việc có liên quan để từng bước đưa vào vận hành; xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 4; nâng cao năng lực hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng công việc chuyên môn và quản lý của cục.
Chia sẻ cụ thể hơn về dự án WIPO IPAS - ông Đinh Hữu Phí - cho biết, cuối tháng 9/2018, tại phiên họp của Đại hội đồng WIPO, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký kết bản ghi nhớ về việc Tổ chức WIPO hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp điện tử, gọi tắt là WIPO IPAS. Hệ thống phần mềm này sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho cục trong việc xử lý đơn và để mà triển khai hệ thống này cần thực hiện trong 2 năm.
Theo ông Đinh Hữu Phí, vừa qua, các chuyên gia của WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ đã trao đổi làm việc rất nhiều. Dự kiến ngày 1/4/2019, sẽ bắt đầu triển khai hệ thống để áp dụng cho việc xử lý đơn kiểu dáng công nghiệp, tiếp theo cuối năm 2019 áp dụng cho nhãn hiệu, đầu năm 2020 áp dụng cho đơn sáng chế. Đến cuối năm 2020, hoàn tất hệ thống dịch vụ công trực tuyến do WIPO hỗ trợ.
Hệ thống WIPO IPAS được cho là có nhiều ưu điểm nổi trội so với hệ thống quản trị hiện đang được vận hành tại Cục Sở hữu trí tuệ về khả năng điều chỉnh linh hoạt, giao diện thân thiện, phù hợp với các chuẩn quốc tế và dễ dàng kết nối với các công cụ sẵn có khác của WIPO. |