Về công tác đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Đấu giá tài sản quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long |
Đồng thời, Luật Đấu giá tài sản quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện. Các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…) quy định thủ tục đưa tài sản ra đấu giá, việc định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá do người có tài sản (cơ quan, tổ chức quản lý tài sản) thực hiện.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thời gian qua, tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tiệm cận hơn với các chuẩn cơ bản của nghề đấu giá trong cơ chế kinh tế thị trường tại các nước trong khu vực và trên thế giới.
Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng hơn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá được quan tâm và đã thu được những kết quả ban đầu. Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.
Hiện nay, trong cả nước có hơn 1.200 đấu giá viên, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 57 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó 36/57 Trung tâm đã tự chủ 100% kinh phí; 21/57 Trung tâm được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và đã có lộ trình tự chủ 100%).
Các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện nhiều cuộc đấu giá thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo số liệu thống kê, từ tháng 7/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là quyền sử dụng đất.
Trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đấu giá tài sản đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan không còn phù hợp, bộc lộ một số tồn tại, bất cập; một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản...
Nêu một số giải pháp khắc phục thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Đấu giá tài sản, Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức; chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Ba là, từng bước kiện toàn đội ngũ đấu giá viên có đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích đấu giá trực tuyến, nhất là đối với tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn.