Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Hà Nội: Hỗ trợ sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội nhập Tạo đà cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội phát triển |
Ông đánh giá như thế nào về khả năng cạnh tranh sản phẩm làng nghề cũng như sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam so với các quốc gia nổi tiếng như Ấn Độ, Trung Quốc?
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có yếu điểm rất lớn đó là không gần gũi với thị trường, việc này cũng có thể coi là nhược điểm. Nguyên nhân do các nghệ nhân thường làm việc tại nhà và ít có điều kiện tiếp xúc với thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022: Sân chơi cho các nghệ nhân Việt |
Nhưng ưu thế của các nghệ nhân của chúng ta đó là tay nghề vô cùng tinh xảo. Nếu so với sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nước, có thể nói, độ tinh xảo của sản phẩm Việt là khá tốt, nhưng yếu điểm đó là công năng sử dụng. Do không gần gũi thị trường, không hiểu nhu cầu của người khách đối với sản phẩm đó để làm gì.
Ví dụ như sản phẩm gốm, trang trí rất đẹp nhưng hình dáng không thay đổi mấy. Hay đối với một số sản phẩm mây tre đan đi vào các chi tiết quá cầu kỳ, không thể hiện được sản phẩm đó sẽ trưng bày ở đâu, dùng làm việc gì. Mục đích của các sản phẩm thêu mới chỉ để trưng bày, trang trí.
Những việc này cần phải tính toán. Bởi chỉ để trưng bày không thì cần đạt mức độ nghệ thuật rất cao, còn nếu để trang trí thì cần thấy rõ trang trí vào không gian nào, phòng khách khác với phòng ăn.
Có thể nói, các nghệ nhân của chúng ta đang gặp khó khăn và chưa hiểu rõ được khách hàng của mình. Do đó, các sản phẩm của chúng ta nhiều khi được làm rất cầu kỳ nhưng nhiều khi chưa đạt được hiệu quả về mặt kinh tế.
Chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều |
Để hỗ trợ các nghệ nhân, làng nghề, hiện các đơn vị sở ngành cùng tổ chức các cuộc về làng nghề, thủ công mỹ nghệ, liệu có sự chồng chéo hay trùng lặp giữa các cuộc thi?
Các cuộc thi đều tạo ra sân chơi sáng tạo cũng như tạo ra các sản phẩm mới. Với mỗi một cuộc thi đều có tiêu chí riêng nhưng đồng thời có những tiêu chí trùng nhau. Ví dụ, sản phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng đến các làng nghề, khu vực sản xuất ở khu vực nông thôn. Còn bên Bộ Công Thương với các sản phẩm dự thi là công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Tức là các sản phẩm đã được sản xuất với số lượng tương đối tốt, quy mô gần như công nghiệp. Còn phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họ lại đánh giá cao về giá trị nghệ thuật là chính.
Có những sản phẩm có thể tham gia vào tất cả các cuộc thi của cả lĩnh vực nông nghiệp, công thương, văn hóa bởi ngoài tiêu chí riêng, các cuộc thi còn có những tiêu chí chung. Ví dụ như tính mới, tính thẩm mỹ, tính thân thiện với môi trường, có khả năng thương mại… Do đó, cũng không lo ngại sự trùng nhau, hay nói cách khác, các sản phẩm tham dự cuộc thi này mà vẫn có thể tham dự cuộc thi khác.
Để các sản phẩm làng nghề và thủ công mỹ nghệ có thể đi vào cuộc sống, ông có khuyến nghị đối với các làng nghề và các nghệ nhân?
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thường niên hàng năm. Đây là phong trào rất tốt cho các nghệ nhân sáng tạo.
Cuộc thi cũng rất hữu ích, giúp cho các nghệ nhân thấy được cần phải làm gì, làm như thế nào. Sự chấm giải của hội đồng cũng là lời tư vấn đối với các nghệ nhân để định hướng cho sáng tạo của họ cũng như định hướng quy mô sản xuất của mình. Thông qua các cuộc thi này, các nghề thủ công có sự chuyển biến rất rõ rệt về các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Nhiều khi người nghệ nhân suy nghĩ thế này là đẹp nhưng khi ra cuộc thi lại không phải như vậy. Thực tế, có những sản phẩm rất đơn giản nhưng khi đi ra các cuộc thi lại được giải.
Một trong số gần 400 sản phẩm tham gia cuộc thi |
Bên cạnh các cuộc thi thiết kế sáng tạo, tôi cho rằng, hiện thông tin thị trường các làng nghề gần như không tiếp cận được, trừ một số doanh nghiệp lớn. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ về tư vấn thiết kế, các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ các thông tin về thị trường cho các nghệ nhân, làng nghề thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo hay thông qua đoàn tư vấn cho cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, việc các cuộc thi nếu tổ chức hàng năm thì cũng sẽ rất vất vả và bản thân các nghệ nhân cũng chưa kịp nung nấu các ý tưởng mới, do đó, nên tổ chức 2 năm/lần những cuộc hội nghị, hội thảo, tư vấn, hướng dẫn song song xen kẽ các cuộc thi.
Hiện các yếu tố bảo vệ môi trường cũng đang được đưa nhiều vào các cuộc thi. Các nghệ nhân cũng dần thích ứng và hội nhập, ông đánh giá như thế nào về việc này?
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vấn đề môi trường không quan trọng lắm. Bởi lẽ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không gây ô nhiễm môi trường nhiều. Việc này cần có xu hướng rõ ràng cho các nghệ nhân. Một số sản phẩm có thể ảnh hưởng môi trường như dệt, nhuộm. Tuy nhiên, cũng không nên đặt tiêu chí môi trường là chính, hiện có một số sản phẩm đi theo xu hướng tận dụng các vật liệu phế thải để làm ra sản phẩm, việc này không thích hợp với đồ mỹ nghệ.
Xin cảm ơn ông!
Tháng 6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 đến nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân, các Hiệp hội và các cơ quan quản lý ở các địa phương. Đến nay, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 364 sản phẩm của 190 tác giả, nhóm tác giả của cả 3 miền. Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm nay thu hút nhiều nghệ nhân, chủ thể tham gia tăng 20% so với hội thi trước. Đặc biệt thu hút được nhiều nghệ nhân, bạn trẻ tham gia với nhiều công nghệ mới, kỹ thuật mới được ứng dụng vào những sản phẩm của họ. Ngày 2/11/2022, sẽ diễn ra lễ trao giải Hội thi sản phẩm thu công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 trong buổi lễ khai mạc Festival làng nghề Việt Nam năm 2022 tại tầng 2, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Qua hội thi, các tác giả có cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cũng là cơ hội để các nghề, làng nghề khác nhau có thể kết hợp để tạo ra những sản phẩm mới có giá trị cao: như sự kết hợp mây tre đan với gốm sứ; thêu dệt với gốm, thuỷ tinh... tạo ra sản phẩm làm quà tặng, quà biếu.. |