Hội thảo do Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức với chủ đề: “Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững” (“Promoting the outstanding values of Phong Nha- Ke Bang National Park World Heritage in the trend of integration and sustainable development”).
Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới (05/7/2003 - 05/7/2023).
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội hợp tác phát triển, đưa ra các giải pháp, ý tưởng, đề xuất chính sách địa phương, thúc đẩy hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị di sản, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo thích ứng, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Bình.
Hội thảo tập trung các nội dung chính đánh giá thành tựu 20 năm Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng của Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Bộ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Báo cáo tham luận kinh tế, kỹ thuật chuyên ngành của các nhà quản lý, các nhà khoa học, diễn giả trong các lĩnh vực quản lý Di sản văn hóa, lâm nghiệp, đa dạng sinh học; địa chất, địa mạo; du lịch; kinh tế, truyền thông...
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Thắng- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, ngoài những giá trị ngoại hạng, nổi bật toàn cầu của di sản được giữ gìn, bảo tồn một cách nguyên vẹn, việc khai thác tiềm năng của di sản đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng thị trấn Phong Nha nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.
Từ sau đại dịch Coivid-19, du lịch Quảng Bình dần trở lại phát triển mạnh mẽ, Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm du lịch có sự phục hồi nhanh nhất, đặc biệt là sự trở lại của khách quốc tế. Hiện nay, tổng lượng khách bắt đầu tiệm cận đến mốc 5 triệu lượt khách/năm của năm 2019, là thời điểm cao nhất trong 20 năm qua. Phong Nha – Kẻ Bàng được ví là trái tim của du lịch Quảng Bình, là điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ông Hoàng Đạo Cương- Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ, trải qua hơn 30 năm tham gia, thực hiện Công ước, bằng tất cả sự nỗ lực của mình, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các di sản, Các nguồn lực để bảo vệ Di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa; các Ban Trung tâm quản lý Di sản thế giới, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương cùng tham gia đóng góp công sức, kinh phí, tâm huyết cũng như chia sẻ những lợi ích đem lại từ Di sản thế giới, tạo ra sự gắn kết xã hội bền vững. Cộng đồng địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch, dịch vụ tại Di sản thế giới.
Các gian hàng trưng bày quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bên lề Hội thảo |
"Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, tác động về áp lực phát triển và số lượng du khách ngày càng gia tăng..., đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết. Do đó, Hội thảo quốc tế lần này sẽ là cơ hội tốt để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý không chỉ của Việt Nam, mà còn của cộng đồng quốc tế cho công tác quản lý bảo tồn Di sản Thế giới này"- ông Cương cho hay.
Tại Hội thảo còn có trưng bày các Di sản thế giới tại Việt Nam; thành tựu 20 năm bảo tồn và phát triển của Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; không gian văn hoá của cộng đồng dân tộc thiểu số tại Quảng Bình; các điểm du lịch nổi tiếng, ấn tượng tại Quảng Bình; các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP của tỉnh Quảng Bình.