Mới đây, tại Hà Nội, tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023 với chủ đề “Đưa Quảng Bình tới gần nhà đầu tư”, đã có 29 nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 112.000 tỷ đồng; trong đó nhiều dự án liên quan đến việc phát triển du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã được ký kết ghi nhớ. Trước đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư đã được thực hiện liên tục thường xuyên nhằm đẩy mạnh việc bảo tồn di sản, đặc biệt là phát triển “trái tim” du lịch của tỉnh Quảng Bình…
Công tác xúc tiến thường xuyên, liên tục
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha- Kẻ Bàng cho biết, thời gian qua, VQG đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chủ động phối hợp xúc tiến, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ chỗ chỉ có một điểm tham quan động Phong Nha - Tiên Sơn, đến nay Phong Nha - Kẻ Bàng đã có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng như khám phá thiên nhiên, khám phá hang động, Camping, Trecking, Zipline,... Đặc biệt, tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” được đánh giá là một trong những tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế, được báo chí nước ngoài bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới.
Bên cạnh đó, ông Thái cho rằng, VQG tiếp tục nghiên cứu triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó có các nội dung liên quan Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với mục tiêu phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo của di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của Châu Á. Đồng thời, tiến hành rà soát các quy hoạch có liên quan đến phát triển du lịch đã phê duyệt để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng du lịch tại khu vực như Phong Nha - Kẻ Bàng, như: điểm dừng chân, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, khu dịch vụ, trung tâm thương mại, ẩm thực, khu, tuyến, điểm du lịch, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn...
Dịp này, đã có 29 nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 112.000 tỷ đồng; trong đó nhiều dự án liên quan đến việc phát triển du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng đã được ký kết ghi nhớ |
“Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước trên các nền tảng số, kênh số, tạp chí chuyên ngành, thông qua người nổi tiếng, qua các chương trình tin tức, tọa đàm, các tạp chí chuyên ngành du lịch quốc tế; qua phim ảnh, video âm nhạc; các sự kiện văn hoá, thể thao, lễ hội quy mô cấp tỉnh... với hình thức đa dạng, nội dung hấp dẫn, chuyên biệt từng thị trường khách”, ông Thái nhìn nhận.
Nhiều dự án tạo động lực phát triển du lịch cho Phong Nha- Kẻ Bàng
Thời gian tới, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả dự kiến đầu tư Tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới - di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quy mô 2.900 tỷ đồng.
Ông Lê Quỳnh Mai, PCT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị đã cùng với đối tác nghiên cứu đề xuất đầu tư tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới – Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng theo phương thức đối tác công tư PPP loại hợp đồng BTL nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Bình nói chung và Phong Nha- Kẻ Bàng và vùng phụ cận nói riêng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao biên bản ghi nhớ cho đại diện Tập đoàn Đèo Cả. |
“Việc đầu tư này sẽ tạo đột phá về hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối tỉnh TP. Đồng Hới và vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thúc đẩy phát triển giao thông, kinh tế xã hội, phát triển du lịch, dịch vụ logistic, dịch vụ giải trí, phát triển các dự án, các khu công nghiệp; đồng thời, tạo đòn bẩy về cơ sở hạ tầng để phát triển và thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, du lịch tại tổ hợp du lịch Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng, thám hiểm hang động, khám phá văn hóa và hệ sinh thái đặc hữu... phù hợp với định hướng phát triển mũi nhọn của tỉnh”, ông Lê Quỳnh Mai nhấn mạnh.
Để kích cầu phát triển du lịch cho tỉnh Quảng Bình nói chung và khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng nói riêng, dịp này nhiều ký kết đã được thực hiện, như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dự kiến đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Càng hàng không Đồng Hới, quy mô vốn dự kiến 1.968 tỷ đồng. Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng dự kiến đầu tư hai dự án, bao gồm Sân golf Ocean links Bố Trạch, vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng và Khu nghỉ dưỡng sinh thái Chày Lập tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, vốn đầu tư 320 tỷ đồng. Sở Du lịch TP Hà Nội và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã trao thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương giai đoạn 2023 - 2030; Trung tâm TTXT Du lịch Quảng Bình và Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội sẽ trao thoả thuận hợp tác giữa 2 đơn vị...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao biên bản ghi nhớ cho đại diện Tập đoàn Vĩnh Hưng. |
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Với phương châm sự thành công phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công phát triển của Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư đồng thời cam kết đồng hành vào tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch của tỉnh thành hiện thực”.
Phải xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng hơn nữa để phát triển
Tại hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Bình Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023 tại Hà Nội vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, Quảng Bình hệ thống giao thông thuận lợi và đồng bộ, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…, đặc biệt, có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 02 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Quảng Bình được mệnh danh là "Vương quốc hang động" với hàng ngàn hang động lớn nhỏ, nổi bật nhất là Hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc sở Du Lịch (bên phải) giới thiệu cho Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (giữa) về những tiềm năng lợi thế của Phong Nha- Kẻ Bàng thu hút phát triển du lịch. |
“Với tất cả những lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch độc đáo kể trên, Quảng Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Để phát triển du lịch hơn nữa, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị: “Trong quy hoạch du lịch, tỉnh Quảng Bình đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển để trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Vì vậy Quảng Bình phải xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng hơn nữa để phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về du lịch; làm tốt hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tỉnh cần phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của địa phương; phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn; phát động phong trào để thúc đẩy "mọi người đều phải làm du lịch, mỗi người dân là một sứ giả của du lịch" nhằm tạo dấu ấn rõ nét của du lịch Quảng Bình”.
Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (New York Times, 2014); Phong Nha và Đồng Hới là 02 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam (Booking.com, 2023) ; Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong những điểm đến đáng trải nghiệm nhất tại Việt Nam (Lonely Planet, 2017 - 2019) |