Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) Trang bị kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho hợp tác xã |
Chiều 22/9, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 4 của Quốc hội tháng 6/2023.
Mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi Luật lần này là tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác |
Theo ông Đặng Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã: Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức gần 30 cuộc hội thảo, thu hút hầu hết các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã để cùng nghiên cứu, soạn thảo, tham vấn về các nội dung Luật, lấy ý kiến trực tiếp của hàng trăm hợp tác xã trên cả nước, phối hợp với các tổ chức quốc tế, khảo sát quốc tế tại một số quốc gia như Israel, Đức…
Mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi Luật lần này là tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Ông Phùng Tiến Hùng – Thành viên Tổ Biên tập Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác cho biết: Bố cục Dự thảo Luật gồm 12 chương 117 Điều. Về tên gọi của Luật, ông Phùng Tiến Hùng cho rằng, qua quá trình lấy ý kiến tại 63 địa phương trên cả nước thì hầu hết chọn tên Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Quá trình lấy ý liến của thành viên Chính phủ cũng thống nhất đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì vẫn cho rằng, cần nghiên cứu thêm về việc đổi tên.
Lĩnh vực nông nghiệp hiện có trên 19.000 hợp tác xã |
Băn khoăn về sự thay đổi tên gọi, ông Nguyễn Minh Tuấn – nguyên Trưởng ban Chính sách và Phát triển Hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - cho rằng: Không đồng tình với quan điểm đổi tên gọi mới của Luật mà nên giữ nguyên. Lý do là bởi: "Chúng ta đều nói, viết và làm theo Nghị quyết của Đảng. Cụm từ ‘kinh tế hợp tác’ chỉ có trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, đến Đại hội Đảng lần thứ XIII đã bỏ cụm từ này, Nghị quyết số 20/2022 vẫn sử dụng cụm từ ‘kinh tế tập thể".
Bà Nguyễn Thị Loan – chuyên gia về hợp tác xã cho biết: Về việc đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn, tuy nhiên theo tôi, thời điểm này nếu giữ tên luật như cũ thì không có động lực phát triển, trong khi đưa tên mới vào thì các đối tượng tham gia có sự mở rộng hơn.
Bên cạnh vấn đề tên gọi, liên quan đến quy định phân loại hợp tác xã, ông Nguyễn Tiến Định - Trưởng phòng Kinh tế hợp tác thuộc Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết: Trong Dự thảo 6 về Luật mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra thì quy mô hợp tác xã chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Ví dụ dự thảo quy định, trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã siêu nhỏ có quy mô dưới 50 thành viên; hợp tác xã quy mô vừa từ 50-300 thành viên; hợp tác xã trung bình có quy mô từ 300-1.000 thành viên và quy mô lớn là trên 1.000 thành viên.
Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp có 19.000 hợp tác xã, chiếm hơn 70% số hợp tác xã, nhưng trong 19.000 hợp tác xã nông nghiệp thì 85% là hợp tác xã dưới 300 thành viên, còn lại những hợp tác xã có quy mô trên 300 thành viên, 500 thành viên hay 1.000 thành viên là rất ít. Nếu phân định như vậy thì hầu hết hợp tác xã nông nghiệp là hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ.
“Sau này, chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã thường quy định hưởng theo quy mô thành viên, quy mô kinh doanh. Theo đó, cần có sự phân loại hợp tác xã cho phù hợp hơn” – ông Nguyễn Tiến Định đề xuất.
Góp ý cho dự thảo Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ban soạn thảo cần cụ thể hơn một số nội dung liên quan đến trích lập quỹ chung không chia và phân phối thu nhập (Điều 60 và 61); quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã cần được quy đinh cụ thể hơn (Điều 113). Đồng thời, cần bổ sung thêm các điều quy định cụ thể hơn về hệ thống Liên minh Hợp tác xã…
Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết, Ban soạn thảo Luật sẽ lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, đối tượng hợp tác xã chịu tác động trực tiếp của Luật để hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân, các tổ chức kinh tế hợp tác, để Luật thực sự đi vào cuộc sống.
Mục tiêu của Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút và phát triển thành viên; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất hợp tác xã, phục vụ lợi ích của thành viên và cộng đồng, tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển mạnh, giúp nâng cao vị thế của các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. |