Cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn
Báo Công Thương nhận được phản ánh của người dân thôn Sấu Hạ và thôn Gò Mu (thuộc xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) về việc thời gian qua, trên địa bàn 2 thôn xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường do 2 trang trại chăn nuôi lợn, ngan gây ra, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân.
Người dân thôn Sấu Hạ chỉ vị trí hồ chứa nước có dấu hiệu bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ trại chăn nuôi lợn |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trại lợn này nằm cạnh hồ Chằm Sy (hồ tưới tiêu phục vụ sản xuất của người dân), thuộc thôn Sấu Hạ. Cạnh trại lợn còn có 1 hồ chứa nước khác, nước từ hồ chứa này sẽ được chảy thẳng vào hồ Chằm Sy. Bằng mắt thường, có thể thấy nước chảy từ hồ chứa ra hồ Chằm Sy có màu đen nhạt, nổi bọt trắng xóa.
Chị Đỗ Thị Hinh (đội 4, thôn Sấu Hạ) bức xúc nói: "Trước đây, 2 hồ này dùng để phục vụ tưới tiêu cho người dân. Từ khi trại lợn đi vào hoạt động, nguồn nước tưới tiêu của người dân có dấu hiệu bị ô nhiễm. Có những năm, ruộng lúa gần trại lợn không thể trổ bông, người dân bị mất mùa. Đợt đấy, chúng tôi cũng đã được chủ trại lợn hỗ trợ. Thế nhưng bây giờ, người dân chúng tôi thấy hồ quá ô nhiễm không thể chịu được nữa".
Bằng mắt thường có thể thấy nước chảy ra hồ Chằm Sy có màu đen nhạt, nổi bọt trắng xóa |
Còn bà Bùi Thị Chinh (đội 4, thôn Sấu Hạ) cho biết, nhà tôi cách trại lợn khoảng 500m, trại lợn hoạt động bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Có những lúc ăn cơm, mùi thối bay vào nhà vô cùng khó chịu. Đỉnh điểm, vào ban đêm tầm 2 – 3h sáng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, khiến ai nấy trong gia đình không thể nào chợp mắt.
Tương tự, anh Phạm Văn Tuyên (đội 2, thôn Sấu Hạ) cho biết: "Khu vườn nhà tôi rộng gần 1ha, nằm sát trại lợn, mỗi khi mưa xuống, nước mưa kèm theo nước thải của trại lợn chảy xuống vườn của gia đình. Cách đây 20 ngày, nhiều cây gù hương hơn 3 năm tuổi của gia đình bỗng dưng bị héo khô không rõ nguyên nhân. Hơn nữa, gần 1.000 gốc bương mà gia đình trồng cũng bị héo. Tôi nghi ngờ do ảnh hưởng từ việc xả thải của trại lợn. Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh, xử lý để người dân yên tâm sinh sống".
Vườn cây gù hương và cây bương bị ảnh hưởng dẫn tới héo khô của gia đình anh Tuyên |
Nước đen kịt nhưng kết quả quan trắc vẫn bảo đảm?
Theo người dân xã Thanh Cao, trên địa bàn không chỉ có trang trại lợn làm ảnh hưởng cuộc sống, mà còn có trang trại chăn nuôi ngan tại thôn Gò Mu. Bà Bạch Thị Hợi (đội 1, thôn Gò Mu) chia sẻ: "Gia đình tôi nằm ngay phía dưới trại nuôi ngan. Từ khi trại này đi vào hoạt động ảnh hưởng tới môi trường, nguồn nước, khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Nhất là mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến chúng tôi khó chịu, gần như phải đóng cửa cả ngày".
Người dân chỉ hồ chứa nước thải sơ sài, lắng đọng phân, bốc mùi hôi thối của trang chăn nuôi ngan tại thôn Gò Mu |
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Canh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Cao thông tin, trang trại nuôi lợn mà người dân phản ánh là của hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Thường, có quy mô khoảng 1.000 con. Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Hoà Bình, UBND huyện Lương Sơn cũng đã thành lập đoàn xuống kiểm tra hoạt động trang trại lợn, UBND xã cũng trực tiếp đi cùng.
Theo đó, Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước, kết quả đều trong ngưỡng cho phép. Trang trại lợn hằng năm đều thực hiện quan trắc môi trường, các chỉ số đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, bằng mắt thường ai cũng nhìn thấy nước có màu đen nhưng qua kiểm tra và quan trắc đều đảm bảo.
Trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc tại thôn Sấu Hạ nhìn từ trên cao |
Còn trang trại nuôi ngan là của hộ gia đình ông Đỗ Văn Sang, trước đây chỗ này là trại lợn, cách đây khoảng 4 tháng thì chuyển sang nuôi ngan. Về hồ chứa nước thải có màu đen kịt của trại nuôi ngan, xã đã kiểm tra và yêu cầu hộ gia đình phải nạo vét, hút hết chất thải và xây dựng lại hồ chứa để đảm bảo yêu cầu về môi trường.