Đại hội với sự tham dự của hơn 60 đại biểu đến từ các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cùng đại diện của các bộ, ngành: Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ và các tổ chức đối tác trong và ngoài nước.
Ông Đào Duy Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc đại hội ông Đào Duy Anh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam khẳng định: “Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp khai khoáng nói chung và ngành khai thác, chế biến quặng titan nói riêng đã gặp nhiều khó khăn, biến động về nhu cầu thị trường cũng như về cơ chế chính sách của nhà nước như chính sách xuất khẩu quặng, thuế, phí… những khó khăn đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Vượt qua khó khăn đó các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đã hợp tác, hỗ trợ nhau mở rộng đầu tư, các đơn vị đã mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị làm chủ công nghệ trong chế biến sâu, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, góp phần đưa các sản phẩm xâm nhập vào các thị trường quốc tế khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản…”.
Đánh giá lại nhiệm kỳ vừa qua (2014-2018), Hiệp hội Titan Việt Nam đã cơ bản thực hiện được các nhiệm vụ mà đại hội VII đề ra đó là đẩy mạnh vai trò là cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng titan cũng như tạo các diễn đàn trao đổi, thảo luận lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để từ đó có các kiến nghị, đề xuất với nhà nước các thay đổi một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Titan, tạo việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Ban chấp hành Hiệp hội Titan nhiệm kỳ 2019-2024 ra mắt |
Báo cáo tại Đại hội, ông Lê Văn Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam cho biết: “Mặc dù còn có những khó khăn nhất định, nhưng Hiệp hội đã có sự phát triển mạnh mẽ, các đơn vị đã chú trọng đầu tư các dự án chế biến sâu để nhằm gia tăng giá trị của từng loại sản phẩm, làm chủ được công nghệ sản xuất xỉ titan, hoàn nguyên ilmenit, nghiền zircon siêu mịn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động khoáng sản Titan đã tích cực, chủ động nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm các đối tác, các nhà tư vấn trong nước và quốc tế v.v. Điển hình như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ của ANIVI (Tây Ban Nha), Công ty CP Đất Quảng Chu Lai đầu tư thiết bị công nghệ đồng bộ của CHLB Đức, nhờ đó sản phẩm Zircon mịn và siêu mịn của 02 đơn vị này đạt chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các đối tác hàng đầu thế giới như của Italia, Nhật, Mỹ… thành công trên đã hạn chế đến mức tối đa việc phải chi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu loại sản phẩm này cho các ngành sản xuất trong nước”.
Một thành viên khác của Hiệp hội là Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Vimluki - Bộ Công Thương), chuyên nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến hoạt động khoáng sản nói chung và khoáng sản titan nói riêng. VIMLUKI đã có nhiều nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp tình hình sản xuất kinh doanh, đặc điểm từng vùng mỏ của các đơn vị trong ngành titan. Gần đây nhất, Viện đã tư vấn thiết kế và lựa chọn công nghệ, lựa chọn thiết bị cho Tập đoàn Rạng Đông để đầu tư xây dựng 03 dây chuyển sản xuất Zircon siêu mịn với công suất 12.000,0 tấn/năm/01 dây chuyền và đang chạy thử để chuẩn bị đi vào sản xuất chính thức trong năm 2019. Đồng thời Viện đang tiếp tục hợp tác và tư vấn cho tập đoàn Rạng Đông lựa chọn công nghệ, thiết bị, để lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất Titan Pigment.
Hoạt động liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội cũng được đẩy mạnh và phát huy như hợp tác giữa 3 đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là Công ty TNHH Kim Tín Quảng Bình, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình và Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Long Quảng Bình để xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản; Liên kết, hợp tác giữa Công ty cổ phần Đường Lâm với Công ty DAITCHI KIGENSO KAGAKU KOGYO CO.LID (Nhật Bản) để sản xuất Hợp chất zircon (ZOC) tại khu công nghiệp Cái Mép. Hiệp hội là cầu nối giữa các đơn vị hội viên với các đối tác nước ngoài cung cấp thiết bị công nghệ trong ngành titan như Outotec (Phần Lan), MD (Úc), …
Bên cạnh đó công tác đối ngoại nhân dân cũng đạt được nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua khi mà Hiệp hội đã tham gia góp ý vào xây dựng, sửa đổi nhiều văn bản, cơ chế, chính sách cho Chính phủ, Bộ, ngành trong hoạt động quản lý ngành như: Góp ý cho Thông tư sửa đổi số 41/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về xuất khập khẩu khoáng sản; Kiến nghị của Hiệp hội về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Titan gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính liên quan đến các vấn đề thuế, phí và lệ phí; Kiến nghị một số nội dung cơ vản trong việc điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg…
Tại Đại hội, nhiều tham luận của các doanh nghiệp thành viên cũng được trình bày, trong đó đa số các doanh nghiệp đều nhất trí trong nhiệm kỳ mới công tác phối hợp, liên kết hỗ trợ nhau trong hoạt động, đầu tư đổi mới công nghệ sẽ được đẩy mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn nhà nước sớm có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt là chính sách thuế, phí và lệ phí.
“Hiện chi phí thuế, phí và các loại phí đã chiếm từ 50-60% chi phí sản xuất của doanh nghiệp, ở chi phí cận biên này làm sao doanh nghiệp có thể tái đầu tư. Đặc biệt là bất cập trong chính sách thuế, giá trị hải quan khi mà thuế xuất khẩu được áp 30% thì phần giá trị hải quan vẫn tính trên cả 30% thuế xuất khẩu đó mà không được tách ra, đó là chưa kể đến đến 10% thuế suất đối với các sản phẩm chế biến sâu cùng toàn bộ VAT đầu vào không được hoàn và bù trừ thuế (chiếm tỷ trọng 10% chi phí sản xuất); thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và không có chính sách ưu đãi ngoài ra còn 3% chi phí quyền sử dụng thông tin, 5% chi phí cấp quyền khai thác chi phí này rất bất cập đối với các doanh nghiệp đã có nhiều năm hoạt động” - Ông Nguyễn Quốc Hội- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần An Khánh (Thái Nguyên) chia sẻ.
Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp khẳng định: “Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ các khó khăn, tuy nhiên liên quan đến sửa đổi một số nội dung của Quyết định số 1546/QĐ-TTg là điều rất khó khăn do trái với Luật Quy hoạch. Đối với chính sách thuế còn nhiều bất cập do giá cả và bối cảnh thị trường thế giới liên tục thay đổi, do vậy chính sách thuế cũng cần điều chỉnh sao cho linh hoạt và phù hợp với tình hình thị trường”.
Tại Đại hội, 100% các đại biểu đã thống nhất thông qua Báo cáo Tổng kết hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ VII ( 2014-2018) và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ VIII (2019-2024). Đại hội cũng đã bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhiệm kỳ mới 2019-2024.