Luật sư Trần Xuân Tiền: Doanh nghiệp cần nắm vững quy định pháp lý khi tham gia RCEP
Trước nhiều cơ hội hợp tác mà Việt Nam đang chờ đợi từ hiệp định, đặc biệt với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc...), hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ DN tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP. Về mặt pháp lý, xin ông cho biết, các doanh nghiệp trong nước cần phải lưu ý gì khi tham gia “sân chơi” này?
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội. |
Cùng với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, RCEP tiếp tục thúc đẩy những cải cách của chúng ta theo hướng tiến bộ và tích cực hơn nữa. Từ đó môi trường đầu tư, kinh doanh dựa trên nền tảng của thể chế sẽ tiếp tục được cải cách và hoàn thiện. Những động lực mới để thúc đẩy cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các DN, nhất là DN vừa và nhỏ sẽ được nâng cao.
Về mặt pháp lý, các DN trong nước cần lưu ý một số vấn đề gồm: Thứ nhất, đối với các DN, vấn đề tiên quyết là phải nắm vững các quy định của RCEP, lĩnh vực mình đang sản xuất, kinh doanh để có được tâm thế tốt nhất tham gia “cuộc chơi”.
Thứ hai, DN cần nắm vững quy định pháp luật liên quan ở thị trường xuất khẩu, các FTA mà Việt Nam đã ký kết với nước xuất khẩu để làm bàn đạp trong việc ký kết, thực hiện Hợp đồng. Để làm được điều này, các DN cần thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương, Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực hiện áp dụng pháp luật của thị trường xuất khẩu. Qua đó, hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự phát triển ổn định, lâu dài.
Ông đánh giá như thế nào về việc giải quyết tranh chấp hiện nay của các DN trong nước khi ký kết hợp tác với các đối tác nước ngoài. Nhận định của ông như thế nào về những nguy cơ tiềm ẩn mà các doanh nghiệp dễ mắc phải khi tham gia RCEP?
Nước ta đang hội nhập sâu, rộng vào các nền kinh tế khu vực và thế giới. Cùng với cơ hội, DN Việt đã và đang đối mặt nhiều tranh chấp có tính quốc tế với các đối thủ cạnh tranh. Một trong nhiều giải pháp căn cơ, thường sử dụng để giải quyết tranh chấp là dùng trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, do nhận thức của DN Việt Nam về còn hạn chế, do thiếu thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, thiếu người hướng dẫn, tư vấn về luật pháp quốc tế, trọng tài quốc tế. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp khi DN Việt Nam đi kiện những sự vụ có tính quốc tế thì thường bỏ lơ trọng tài quốc tế, đến khi có phán quyết xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng, thường gây bất lợi cho DN trong nước.
Về những nguy cơ tiềm ẩn mà các DN trong nước dễ “mắc” phải khi tham gia RCEP, trước tiên, đó là thách thức về mặt năng lực cạnh tranh. Nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Trong khi đó, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn. Nếu chúng ta không có kỹ năng, khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các đối tác tham gia hiệp định thì DN Việt sẽ vừa bị ép ngay tại chính “sân nhà” vừa khó thâm nhập vào thị trường các nước tham gia hiệp định.
Thêm vào đó, có thể thấy năng lực thực hiện hợp đồng của chúng ta còn chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Chọn được đối tác, đàm phán, ký hợp đồng, chất lượng hợp đồng tốt rồi nhưng điều đó không có nghĩa là mọi chuyện sẽ “xuôi chèo mát mái”. Trong quá trình thực hiện có thể do những điều kiện khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Khi đó, nếu hợp đồng nào được soạn thảo chu đáo, phân định rõ trách nhiệm của các bên, lường trước được các tình huống có thể xảy ra và đưa được vào trong hợp đồng thì việc thực hiện sẽ trôi chảy hơn. Còn những hợp đồng nào sơ sài, không lường trước được tình huống như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng tranh chấp.
Việc trang bị kiến thức luật pháp quốc tế, kinh nghiệm tham gia và xử lý các vụ tranh chấp là rất cần thiết đối với mỗi DN khi tham gia RCEP |
Vậy, để hạn chế rủi ro khi xảy ra tranh chấp trong quá trình ký kết hợp đồng, các DN cần phải làm gì, thưa ông?
Kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các DN sẽ càng ngày càng va chạm nhiều với các vụ kiện, trước các rào cản của nước ngoài. Do đó, việc trang bị kiến thức luật pháp quốc tế, kinh nghiệm tham gia và xử lý các vụ tranh chấp là rất cần thiết đối với mỗi DN.
Vì vậy, bản thân các DN phải chủ động tìm hiểu các vụ kiện, tranh chấp thương mại để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm cho chính mình. Thêm vào đó, mỗi DN cần chú trọng tìm hiểu rõ và chính xác mọi thông tin của đối tác về mặt pháp lý, năng lực tài chính, yêu cầu về chất lượng sản phẩm… để quá trình giao kết hợp đồng đảm bảo đúng pháp luật, hài hòa lợi ích.
Đặc biệt, các DN cần quan tâm đến vấn đề soạn thảo hợp đồng sao cho đầy đủ, chặt chẽ, làm cơ sở để các bên tôn trọng, thực hiện đúng cam kết cũng là căn cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có). Sử dụng hợp đồng mẫu trong các giao dịch thương mại quốc tế là một trong những giải pháp giúp cân bằng lợi ích của các bên.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, tham gia sâu rộng chuỗi giá trị mới trên thế giới, ông có lời khuyên nào giúp các DN “vững tin” hơn trong cuộc đua thương mại này?
Trước hết, các DN, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về các FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Bên cạnh đó, theo tôi, DN Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Hiệp định RCEP và các FTA sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Mặt khác, DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.